Ngỡ ngàng với kích thước của những tạo vật lớn nhất từng cất cánh lên bầu trời

(Dân trí) - Antonov An-225 Mriya là chiếc máy bay lớn nhất hiện đang còn hoạt động, nó sở hữu chiều dài khổng lồ lên đến 84 mét và có thể chở được 2 tượng nữ thần tự do. Trong khi đó, sinh vật biết bay lớn nhất từng xuất hiện là một loài bò sát, có kích thước tương đương với một con hươu cao cổ.

Ngỡ ngàng với kích thước của những tạo vật lớn nhất từng cất cánh lên bầu trời - 1

“Antonov An-225 Mriya” là loại máy bay vận tải chiến lược do hãng Antonov chế tạo. Được sản xuất cho chương trình không gian của Liên bang Xô viết, nhằm chuyên chở các “món hàng” khổng lồ như tên lửa đẩy Energi hay tàu vũ trụ Buran, Antonov An-225 Mriya sở hữu một kích thước khổng lồ: dài 84 mét, sải cánh 88,4 mét, cao 18,1 mét. Các thông số này cũng giúp Antonov An-225 Mriya được công nhận là chiếc máy bay lớn nhất hiện đang còn hoạt động. Với lực đẩy của 6 động cơ cánh quạt khổng lồ, chiếc An-225 có thể cất cánh khi trọng lượng toàn tải lên tới 600 tấn, con số này tương đương với 2 tượng nữ thần tự do!

Ngỡ ngàng với kích thước của những tạo vật lớn nhất từng cất cánh lên bầu trời - 2

Mi-26 là tên của chiếc máy bay trực thăng lớn nhất hiện đang còn được sản xuất. Mi-26 là một niềm tự hào của người Nga, được thiết kế chuyên dùng cho việc vận tải. Với lực nâng khổng lồ của hệ thống tuabin kép 8 cánh quạt, Mi-26 có thể tải một lượng hàng nặng đến 20 tấn, tương đương với khả năng của chiếc C-130 của Hoa Kỳ. Thậm chí, Mi-26 còn có phần vượt trội hơn, khi nó có thể cất cánh thẳng đứng, trong khi C-130 cần phải lấy đà trên đường băng dài tối thiểu 900 mét, khi đạt trọng lượng tối đa.

Ngỡ ngàng với kích thước của những tạo vật lớn nhất từng cất cánh lên bầu trời - 3

Với chiều dài lên đến 245 mét, đường kính rộng nhất đạt 41,2 mét, Hindenburg chính là chiếc kinh khí cầu lớn nhất từng được sản xuất trong lịch sử. Vào thời điểm ra mắt, phương tiện bay này là một niềm tự hào của người Đức. Nó được thiết kế để trở thành một “khách sạn bay”, với đủ mọi tiện nghi như hệ thống phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm, phòng hòa nhạc hay thậm chí là xưởng in báo cho hành khách. Để tạo ra lực nâng cho phương tiện khổng lồ này, người ta đã phải sử dụng đến một hệ thống chứa khí hidro, một loại khí nhẹ hơn không khí nhưng lại cực kỳ dễ cháy. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa Hindenburg nổi tiếng trong lịch sử. Cụ thể, vào ngày 6/5/1937 khi đang hạ cánh xuống điểm đáp tại New Jersey, Mỹ, Hindenburg đã bất ngờ bốc cháy và nhanh chóng biến thành một quả cầu lửa. Vụ tai nạn này đã khiến 35 trong tổng số 97 hành khách thiệt mạng. “Cái chết” của Hindenburg cũng đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim của khinh khí cầu.

Ngỡ ngàng với kích thước của những tạo vật lớn nhất từng cất cánh lên bầu trời - 4

Sinh sống vào kỷ Đệ Tam, Pelagornis sandersi là loài chim lớn nhất từng cất cánh lên bầu trời. Dựa vào các dấu tích của bộ xương hóa thạch được khám phá vào năm 1983, các nhà khoa học đã ước tính được rằng, loài chim này có sải cánh lên đến 7 mét, kích thước bỏ xa tất cả mọi loài chim được biết đến.

Ngỡ ngàng với kích thước của những tạo vật lớn nhất từng cất cánh lên bầu trời - 5

Vào kỷ Phấn Trắng, các loài bò sát trở thành kẻ thống trị toàn bộ địa cầu. Nếu như khủng long là ông vua ở mặt đất, thì danh hiệu bá chủ bầu trời lại thuộc về Thằn lằn bay. Trong đó, đại diện lớn nhất của Bộ này chính là Quetzalcoatlus.Dựa theo các mẩu xương hóa thạch, kích thước sải cánh của Quetzalcoatlus có thể lên đến 11 mét, con số này tương đương với máy bay tiêm kích Supermarine Spitfire.

Thảo Vy

Theo Britanica

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm