Nghiên cứu giải mã hiện tượng Bắc Cực thì nóng lên còn nước Mỹ lại lạnh hơn

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới từ các trường đại học ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã xem xét sự tương tác phức tạp của hệ thống khí hậu để tìm hiểu tại sao sự nóng lên ở Bắc Cực lại khiến cho mùa đông ở những nơi khác khắc nghiệt và kéo dài hơn.

Nghiên cứu giải mã hiện tượng Bắc Cực thì nóng lên còn nước Mỹ lại lạnh hơn - 1

Năm 2014, cục Quản trị Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) công bố rằng mùa đông năm 2013 – 2014 là mùa đông lạnh nhất trong lịch sử ở vùng trung tây nước Mỹ. Họ đã đề cập đến thuật ngữ “cực đóng băng” hay “Bắc Cực đóng băng”, theo đó, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm nóng Bắc Cực và làm thời tiết ở những nơi khác lạnh hơn.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng xu hướng này còn phức tạp hơn nữa.Theo nhà nghiên cứu Ana Bastos tới từ Phòng thí nghiệm Khoa học Môi trường Pháp, “mối liên kết giữa hiện tượng nóng lên ở Bắc Cực và lạnh đi ở lục địa có lẽ không phải là một cơ chế nguyên nhân – hậu quả đơn giản.Sự biến đổi khí hậu ở các khu vực diễn ra rất khác nhau”.

Khí hậu có tính toàn cầu: các hiện tượng thời tiết xảy ra ở nơi này sẽ ảnh hưởng đến khí hậu ở một nơi khác theo cả cách thức rất hiển nhiên và khó phát hiện. Những mối liên kết không thể nhìn được giữa các hệ thống khí hậu được gọi là “liên kết từ xa”, trong đó, có lẽ nổi tiếng nhất là hiện tượng El Nino do áp suất không khí cao ở châu Mỹ gặp áp suất không khí thấp từ châu Đại Dương và Thái Bình Dương.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Kỹ thuật Pohang, Hàn Quốc và Đại học Khoa học và Kỹ thuật Miền Nam, Trung Quốc đã nghiên cứu các dữ liệu liên quan đến các liên kết từ xa này để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa hai hệ thống khí hậu rất khác biệt: Bắc Cực và Bắc Mỹ.

Khi Bắc Cực ấm lên, các nhà nghiên cứu thấy rằng mô hình khí quyển thay đổi. Điều này gây ra rất nhiều ảnh hưởng, trong đó có cả làm giảm lượng giáng thủy ở khu vực Nam Trung Bộ của Hoa Kỳ, do đó gia tăng sức ép lên các loại cây trồng vốn chỉ có thể phát triển trong những dải nhiệt độ hẹp. Điều này có thể dẫn đến một vòng lặp phản hồi, vì thực vật chính là mạng lưới hấp thụ các-bon (còn động vật chính là mạng lưới sản xuất các-bon).Cây cối ở Bắc Mỹ chết đi không chỉ tạo ra sức ép về kinh tế, mà còn có thể làm tăng lượng các-bon trong bầu khí quyển và đẩy nhanh sự nóng lên ở Bắc Cực.

Còn nhiều yếu tố khác cũng tham gia vào trò chơi này. Sự tan băng ở Bắc Cực sẽ làm cho nước lạnh chảy từ Bắc Băng Dương xuống Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Các khối băng bị đứt gãy rơi xuống biển sẽ khiến băng tan nhiều hơn.

Anh Thư (Theo Sputnik)