NASA: Hành tinh lùn Ceres có dấu hiệu tiềm năng cho sự sống?

Anh Thư

(Dân trí) - CERES – một hành tinh lùn xa xôi, từng được cho là một hành tinh đá cằn cỗi trôi nổi xung quanh vành đai tiểu hành tinh - có dấu hiệu của các vùng nước.

NASA: Hành tinh lùn Ceres có dấu hiệu tiềm năng cho sự sống? - 1

Các điểm sáng trên hành tinh lùn Ceres được phát hiện lần đầu tiên bởi tàu vũ trụ Dawn của NASA, hiện các điểm sáng này đã được chứng minh là bằng chứng của một đại dương ngầm. Ceres, có đường kính khoảng 950 km, là vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh - một vòng đá vũ trụ nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc – đang mở ra rất nhiều lựa chọn về nơi tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.

Một nhóm các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu ở miệng núi lửa Occator 20 triệu năm tuổi trên Ceres.

Sử dụng hình ảnh hồng ngoại từ tàu vũ trụ Dawn của NASA, nhóm nghiên cứu đã có thể xác định sự hiện diện của hợp chất hydrohalite — một vật chất phổ biến trong băng biển nhưng cho đến nay chưa từng được quan sát thấy bên ngoài Trái đất.

Muối hydrohalite hoạt động như một loại chất chống đóng băng, có nghĩa là đại dương ngầm trên Ceres có thể vẫn ở dạng lỏng.

Theo nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học về Thiên văn, Địa lý và Tự nhiên, NASA cho rằng phần lớn đại dương này được tạo thành từ natri cacbonat - một hợp chất gồm có natri, cacbon và oxy.

NASA: Hành tinh lùn Ceres có dấu hiệu tiềm năng cho sự sống? - 2
Những điểm sáng trên Ceres là các đại dương ngầm
NASA: Hành tinh lùn Ceres có dấu hiệu tiềm năng cho sự sống? - 3
Ceres là vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh

Bà Julie Castillo Rogez, một nhà khoa học hành tinh của NASA - nhưng không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết: "Vốn được cho là một hành tinh cổ xưa, Ceres hiện là một thế giới đại dương có nước biển mặn ở dạng lỏng với quy mô theo vùng, và tiềm năng có thể là trên khắp toàn bộ hành tinh này."

Một số nhà khoa học tin rằng phát hiện này có thể mở ra khả năng tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.

Maria Cristina De Sanctis, nhà nghiên cứu đến từ viện khoa học Istituto Nazionale di Astrofisica của Rome, nhận định: hydrohalite là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ceres từng có nước biển.

Bà phát biểu với AFP: “Giờ đây, chúng ta có thể nói rằng Ceres là một thế giới đại dương, cũng giống như một số mặt trăng của Sao Thổ và Sao Mộc.

NASA: Hành tinh lùn Ceres có dấu hiệu tiềm năng cho sự sống? - 4
"Giờ đây, chúng ta có thể nói rằng Ceres là một thế giới đại dương, cũng giống như một số mặt trăng của Sao Thổ và Sao Mộc."

“Vật chất tìm thấy trên Ceres hết sức quan trọng về mặt sinh học thiên văn. Chúng ta biết rằng những khoáng chất này đều cần thiết cho sự xuất hiện của sự sống. Sự phân bố không gian cho thấy các loại muối clorua - cặn rắn của nước muối mặn – đã nổi lên bề mặt trong hai triệu năm qua - hoặc vẫn đang nổi dần lên. Những loại muối này rất hiệu quả trong việc duy trì nhiệt độ ấm áp bên trong của Ceres và giảm nhiệt độ của nước muối - trong trường hợp đó, dạng chất lỏng có độ mặn này có thể hiện vẫn còn tồn tại".

NASA: Hành tinh lùn Ceres có dấu hiệu tiềm năng cho sự sống? - 5
Hành tinh lùn Ceres

Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ cần nghiên cứu thêm rất nhiều về các vùng nước này để xác định khả năng sinh sống của Ceres và liệu có sự sống nào có thể tồn tại ở đó hay không.

Bà Castillo-Rogez cho rằng: “Cần có các nghiên cứu sâu hơn về điều kiện của Ceres, và trên hết - một nhiệm vụ tiếp theo là rất cần thiết để nghiên cứu sự tiến hóa và khả năng sinh sống của hành tinh lùn này. Mười năm tiếp theo trong công cuộc thám hiểm Ceres đòi hỏi phải tập trung vào khả năng chứa sự sống theo thời gian trong các đại dương đã tiến hóa này - nơi có khả năng rất giàu chất hữu cơ”.

Các muối tự do trong Occator mang đến nguồn cung cấp trực tiếp nước mặn bên dưới miệng núi lửa này và đại diện cho một mục tiêu rõ ràng đối với một sứ mệnh trong tương lai."