Nam giới bị bệnh tim hoặc tiểu đường có thể do áp lực công việc?
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã phát hiện rằng nếu bạn là một người đàn ông và bạn bị bệnh tim hoặc tiểu đường, căng thẳng tại nơi làm việc có thể khiến bạn bị giảm tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu cho biết nếu bạn có quá nhiều áp lực trong công việc và không thể kiểm soát tốt công việc của mình thì chúng có thể dẫn đến việc tăng nguy cơ tử vong sớm cho dù bạn có bị các bệnh khác hay không. Tuy nhiên, các nhà điều tra phát hiện ra rằng nguy cơ giảm tuổi thọ do áp lực công việc tăng đến 68% đối với nam giới bị bệnh tim hoặc tiểu đường.
Nhà nghiên cứu Mika Kivimaki, chủ tịch khoa dịch tễ học xã hội tại Đại học College, London cho biết: "Những phát hiện này cho thấy rằng làm việc quá chăm chỉ có thể không phải là một ý tưởng tốt đối với những người bị bệnh tim mạch nghiêm trọng, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch vành hoặc người có tiền sử bị đột quỵ”.
Phản ứng lại stress sinh lý là phản ứng bình thường đối với thách thức trong công việc và cuộc sống riêng tư, nhưng chúng có thể liên quan đến một số thay đổi có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tim, đông máu và mảng bám trong mạch máu.
"Những thay đổi này, lần lượt, có thể gây ra một cơn đau tim hoặc đột quỵ gây tử vong," Kivimaki nói thêm.
Kivimaki cũng lưu ý rằng: “Chúng tôi tìm thấy mối liên hệ giữa stress và nguy cơ tử vong ở nam giới chứ không phải ở phụ nữ, điều này phù hợp với thực tế là xơ vữa động mạch [xơ cứng động mạch] phổ biến hơn ở nam giới ở độ tuổi lao động.
Tiến sĩ Satjit Bhusri, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York, cho biết tâm trí có mối liên hệ trực tiếp với trái tim. Bhusri tin rằng việc giảm căng thẳng công việc có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên giảm bớt căng thẳng công việc có thể có nghĩa là bạn phải bỏ đi công việc đó, ông lưu ý.
"Tôi đã có những bệnh nhân, người mà đã nghỉ hưu hoặc bỏ việc," Bhusri nói. "Những gì bạn phải nhận ra là công việc của bạn chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ cuộc đời. Và nếu không có cuộc đời thì sẽ không có phần nào cả.”
Để giảm căng thẳng, Bhusri khuyến khích thiền định, tập yoga và tập thể dục. "Quan trọng hơn, nếu đó là công việc độc hại, hãy nghỉ việc".
Trong nghiên cứu này, Kivimaki và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu về hơn 100.000 người đàn ông và phụ nữ từ Phần Lan, Pháp, Thụy Điển và Vương quốc Anh, bao gồm hơn 3.400 người mắc bệnh tim và tiểu đường. Khi bắt đầu nghiên cứu (từ 1985 đến 2002), những người tham gia đã hoàn thành một bảng câu hỏi về lối sống và sức khỏe của họ.
Trong gần 14 năm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hồ sơ y tế của người tham gia. Trong thời gian đó, hơn 3.800 người đã chết.
Các nhà điều tra đã xem xét hai loại stress trong công việc: căng thẳng công việc - có nhu cầu công việc cao và ít kiểm soát chúng và mất cân bằng giữa công sức bỏ ra và kết quả đạt được - cố gắng rất nhiều, nhưng nhận được ít kết quả.
Sau khi nhóm nghiên cứu của Kivimaki xem xét tình trạng kinh tế xã hội và một số yếu tố lối sống - bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, hút thuốc, béo phì, không hoạt động thể chất và uống rượu cao – họ đã phát hiện rằng người bị bệnh tim hoặc tiểu đường phải chịu sự căng thằng trong công việc có 68 phần trăm nguy cơ tử vong sớm hơn nhiều so với nam giới không có căng thẳng về công việc.
Nguy cơ này tăng lên ở những người đàn ông đang được điều trị và đã đạt được mục tiêu về huyết áp và mức cholesterol. Nguy cơ này cũng được thấy ở nam giới có lối sống lành mạnh, bao gồm cả cân nặng bình thường, vận động cơ thể, không hút thuốc và không uống rượu nhiều.
Tuy nhiên, cả hai loại căng thẳng công việc đều không liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong ở phụ nữ khỏe mạnh hoặc không lành mạnh.
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách, chúng bao gồm việc thay đổi các phản ứng tự nhiên để giảm stress thông qua nồng độ hormone cortisol cao hơn khiến tăng sản xuất glucose và hạn chế tác dụng của insulin, do đó làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, căng thẳng có thể làm tăng viêm, có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến đông máu, do đó làm tăng nguy cơ bệnh tim ở những người đã bị xơ cứng động mạch.
Thiên Hương (Theo UPI)