1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Một loại bản đồ mới thể hiện mức độ ô nhiễm ánh sáng toàn cầu

(Dân trí) - Ánh sáng nhân tạo có liên quan đến các vấn đề sức khỏe và gây khó khăn cho các nhà thiên văn học.

Các nhà khoa học theo dõi mức độ ô nhiễm trong không khí cũng như dưới biển, hồ và sông. Ngày nay còn có một công cụ đơn giản để thấy được một loại ô nhiễm khác: ô nhiễm do ánh sáng nhân tạo.

Một loại bản đồ mới thể hiện mức độ ô nhiễm ánh sáng toàn cầu - 1

Bản đồ ánh sáng trên được lấy từ đoạn video phát trực tiếp trên trang web Radiance Light Trends vào tuần trước cho thấy vào ban đêm những nơi nào trên Trái Đất tối tăm và những nơi nào vẫn sáng bằng ánh sáng nhân tạo.

Theo nhà vật lý học Christopher Kyba của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức ở thành phố Potsdam, người điều phối công việc lập tấm bản đồ trên thì nhờ có bản đồ này, chúng ta có thể thấy mức độ ô nhiễm ánh sáng trên Trái Đất, điều này được quan sát rõ qua vệ tinh vào những đêm trời quang.

Ánh sáng nhân tạo cản trở hoạt động bình thường của thực vật và động vật vốn sống trong một thế giới không có ánh sáng phát ra từ những tòa nhà, đường phố và các nguồn sáng nhân tạo khác. Bên cạnh đó, ô nhiễm ánh sáng còn liên quan đến các vấn đề sức khỏe của con người, trong đó có chứng rối loạn giấc ngủ và béo phì.

Ánh sáng nhân tạo cũng gây khó khăn cho các nhà thiên văn học, vì họ cần có bầu trời đêm thật tối để để quan sát được chính xác.

Trang web Radiance Light Trends thuộc dự án GEOEssential do Liên minh châu Âu tài trợ. Người sử dụng có thể phóng to bản đồ để xem được tình trạng ô nhiễm ánh sáng ở từng khu vực cụ thể trong những thập kỉ gần đây.

Nhà vật lý học Kyba hi vọng công cụ này sẽ có ích với cả các nhà khoa học và tất cả những ai quan tâm đến vấn đề ô nhiễm ánh sáng. Tấm bản đồ này kết hợp các dữ liệu của các vệ tinh được sử dụng vào công việc chính từ năm 1992 đến 2013 nhưng đến nay đã được “nghỉ hưu”. Vệ tinh Hợp tác quốc gia Quan sát Bắc Cực Suomi do NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia cùng vận hành chính là nguồn cung cấp dữ liệu từ năm 2012 đến nay. Bản đồ được cập nhật tự động mỗi khi có thêm hình ảnh mới gửi về từ các vệ tinh.

Ông Kyba và các đồng nghiệp đang tìm hiểu xem ánh sáng nhân tạo và sự phát sáng về đêm của các thành phố đang thay đổi như thế nào và ông dự kiến sẽ tạo ra bản đồ tương tự để theo dõi sự biến đổi của băng trên biển, nhiệt độ không khí, mùa cây trổ lá, góp phần tạo ra công cụ mới cho các lĩnh vực nghiên cứu khác.

Phạm Hường (Theo NBCNews)