Máy bay trực thăng đón đầu "bắt" tên lửa đang rơi
(Dân trí) - Rocket Lab, một công ty sản xuất tên lửa có trụ sở chính ở California, Mỹ, cho biết họ sẽ một lần nữa thực hiện việc dùng máy bay trực thăng đón bắt một quả tên lửa đang rơi.
Sự kiện này sẽ diễn ra vào 1 giờ 15 phút ngày 4/11 theo giờ EST, tức 12 giờ 15 đêm 5/11, theo giờ Việt Nam.
Đây là một nỗ lực tiếp theo sau khi Rocket Lab đã tiến hành một sự kiện tương tự với kết quả gần như hoàn hảo. Chiếc trực thăng khi đó đã gặp một số sự cố và sau đó ít lâu công ty đã phải bỏ lại quả tên lửa đẩy. Hy vọng lần này kết quả sẽ tốt hơn.
Tên lửa Electron của Rocket Lab sẽ rời bệ phóng ở Khu phức hợp số 1 ở New Zealand vào lúc 12 giờ 15 phút đêm nay theo giờ Việt Nam. Dự án này được đặt tên là "Catch Me If You Can" (theo tên của một tập trong loạt phim nổi tiếng về điệp viên 007) và sẽ chở theo một vệ tinh cho Cơ quan Vũ trụ Thụy Điển.
Sau khi phóng, động cơ giai đoạn 1 của tên lửa sẽ tách khỏi động cơ giai đoạn 2 và rơi xuống Trái Đất. Chính trong thời khắc quan trọng này, một chiếc máy bay trực thăng sẽ được cử đi để bắt lại động cơ đẩy đó.
Chủ tịch đồng thời là nhà sáng lập công ty Rocket Lab, ông Peter Beck, cho biết tên lửa Electron được thiết kế đặc biệt để phối hợp với máy bay trực thăng trong nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trong lần phóng trước cũng trong năm nay, nó đã không hoạt động đúng theo kế hoạch.
Mặc dù vậy, lần này công ty hy vọng rằng các sự cố lần trước sẽ được khắc phục hoàn toàn và máy bay trực thăng sẽ "tóm" được động cơ đẩy một cách thành công. Nếu máy bay bắt được bộ động cơ đẩy này trước khi nó rơi xuống nước thì khả năng tái sử dụng bộ động cơ này là rất cao.
Tái sử dụng các tên lửa đẩy như này từ lâu đã là mục tiêu phấn đấu trong nhiều năm qua của các cơ quan vũ trụ và các công ty trong lĩnh vực này. SpaceX của ông Elon Musk cũng là một công ty đã thành công trong việc tái sử dụng nhờ hạ cánh thành công các tên lửa đẩy bằng các bệ hạ cánh. Tuy nhiên, nếu Rocket Lab có thể đón được các tên lửa này bằng máy bay trực thăng thì họ sẽ tạo ra một cách mới ưu việt để tái sử dụng tên lửa đẩy trong tương lai.