Lý giải bất ngờ về nguồn gốc Mặt trăng

M.P

(Dân trí) - Mặt trăng có thể hình thành do kết quả sự va chạm của Trái đất với hành tinh giả định Theia khoảng 4,5 tỷ năm về trước.

Lý giải bất ngờ về nguồn gốc Mặt trăng - 1

Đó là ý kiến của các nhà khoa học Anh, theo thông báo trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Mặt trăng được tạo thành từ những mảnh vụn phát sinh sau khi hành tinh của chúng ta va chạm với Theia. Các chuyên gia khoa học nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu của họ không phải là bằng chứng chắc chắn về nguồn gốc Mặt trăng, nhưng thể hiện giai đoạn đầy hứa hẹn trong việc tìm hiểu những con đường hình thành vệ tinh của Trái đất.

Theia là một hành tinh giả định, hình thành cách đây 4,6 tỷ năm, giống như những  hành tinh khác trong hệ Mặt trời, kích thước có thể tương đương với  sao Hỏa. Hành tinh giả định được đặt theo tên của Theia - một trong những chị em Titanid trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, là mẹ của Helios, Eos và Selena (nữ thần Mặt trăng).

Trước đó, đã biết rằng một trong những tiểu hành tinh hiện diện trên cùng quỹ đạo với sao Hỏa có thể là một mảnh vỡ từ Mặt trăng thời nào đó. Chuyện ở đây nói về tiểu hành tinh 101429 (1998 VF31), thuộc loại tiểu hành tinh Trojan - những mảnh thiên thể không lớn đã rơi vào vùng cân bằng hấp dẫn trong quỹ đạo cận Mặt trời của hành tinh - điểm Lagrange. Chúng nằm ở phía trước và phía sau cách hành tinh 60 độ.

Trước đó, giả thuyết Mặt trăng được hình thành bởi một vật thể có kích thước sao Hỏa được đặt tên là Theia, đâm vào Trái đất lâu nay được các nhà thiên văn học chấp nhận rộng rãi, đến mức nó thường được coi là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học không tin vào điều này. Thực tế, Trong khi tìm kiếm băng trong các miệng hố Mặt trăng, các nhà khoa học đã tìm thấy một điều đáng ngạc nhiên có thể làm tăng sự không chắc chắn về giả thuyết trên.

Lý thuyết về va chạm duy nhất giải thích phần lớn những gì chúng ta biết về Mặt trăng, nhưng dường như có một điểm bất hợp lý. Trong số này có các phép đo chỉ ra Mặt trăng có 13% oxit sắt (FeO). Trong khi đó lõi của Trái đất chủ yếu là sắt, nhưng lớp vỏ và lớp phủ kết hợp chỉ là 8% FeO. Nếu Mặt trăng bao gồm một lớp hỗn hợp của lớp ngoài Trái đất và hành tinh Theia cổ đại, thì cần phải giải thích thêm về sắt.