1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Lục địa mất tích từ hàng trăm triệu năm trước tái xuất ở Đông Nam Á

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Các nhà địa chất tiết lộ bí ẩn về lục địa Argoland đã biến mất từ hàng trăm triệu năm trước. "Di tích" của nó ngày nay nằm rải rác khắp Đông Nam Á.

Lục địa mất tích từ hàng trăm triệu năm trước tái xuất ở Đông Nam Á - 1

Lục địa Argoland sau khi tách khỏi Tây Úc đã bị phân mảnh trôi dạt trong đại dương (Ảnh minh họa: Trust my science).

Khám phá mới này đã làm sáng tỏ động lực kiến tạo lục địa, giúp chúng ta hiểu được những tác động địa chất trong quá khứ đối với đa dạng sinh học và khí hậu.

Hiểu về hành tinh chúng ta sinh sống và lịch sử địa chất phức tạp của nó là điều rất quan trọng để giải mã các giai đoạn tiến hóa của Trái Đất.

Mới đây, hai nhà địa chất Eldert Advokaat và Douwe van Hinsbergen liên kết với Đại học Utrecht (Hà Lan) đã có bước đột phá, giải mã bí ẩn về Argoland, một lục địa "mất tích" suốt 155 triệu năm.

Trong quá khứ, Argoland từng gắn liền với Tây Úc, sau đó nó đã bị phân thành nhiều mảnh, phần còn lại của lục địa được tìm thấy rải rác khắp Đông Nam Á.

Khám phá quan trọng này mang đến một góc nhìn mới về các chuyển động kiến tạo trong quá khứ và hậu quả của chúng đối với đa dạng sinh học và khí hậu của hành tinh chúng ta.

Cách ngày nay 155 triệu năm, một mảnh lục địa dài 5.000 km đã tách ra khỏi miền Tây Australia và trôi dạt trên đại dương. Đây không phải là một cú trượt địa chất đơn giản. Các lực kiến tạo đã kéo dài và đẩy Argoland ra khỏi vị trí ban đầu theo đúng nghĩa đen.

Phân tích cấu trúc đáy biển, các nhà khoa học cho thấy, lục địa này chắc hẳn đã trôi dạt về hướng Tây Bắc, tới các đảo thuộc Đông Nam Á.

Tuy nhiên, không có lục địa lớn nào ẩn bên dưới những hòn đảo này, chỉ có tàn tích của những mảnh lục địa nhỏ được bao quanh bởi các lưu vực đại dương. Để so sánh, mặc dù Ấn Độ cũng trải qua sự tách biệt khỏi siêu lục địa Gondwana nhưng nước này không bị chia cắt dữ dội như Argoland.

Để hiểu chuyện gì đã xảy ra với Argoland, các nhà địa chất đã xác định một khoảng trống rộng lớn dưới nước được gọi là Đồng bằng Abyssal Argo, manh mối chính cho sự hiện diện trong quá khứ của lục địa bí ẩn này.

Khoảng trống được các nhà nghiên cứu khám phá là một vùng trũng sâu dưới đại dương, cho thấy sự vắng mặt của khối đất liền từng tồn tại.

Hành trình đi tìm Argoland

Dữ liệu ban đầu liên quan đến lục địa Argoland thôi thúc các nhà khoa học tìm kiếm bí ẩn này ở khu vực Đông Nam Á. 

Nhà địa chất học, Eldert Advokaat và nhóm của ông từ Đại học Utrecht đã thực hiện các cuộc thám hiểm địa chất phần lớn ở hai quốc gia Indonesia và Myanmar. 

Họ tìm thấy những mảnh vỡ, từng là một phần của lục địa rộng lớn. Chúng nằm rải rác và ẩn giấu dưới thảm thực vật tươi tốt, nó đặt ra một thách thức lớn: Làm thế nào để tái tạo lại một lục địa từ những mảnh đất rải rác này?

Nhóm nghiên cứu đã dành bảy năm vất vả cho nhiệm vụ. Mỗi mảnh vỡ được phát hiện đại diện cho một mảnh ghép bổ sung nhưng cũng mang đến những thách thức mới.

Không giống như các lục địa khác bị vỡ thành nhiều mảnh lớn, Argoland vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Sự phân mảnh này là điển hình của tiểu lục địa.

Chưa bao giờ có một lục địa Argoland được phân định ranh giới rõ ràng và mạch lạc, mà là một "Argopelago" gồm các mảnh vi lục địa được ngăn cách bởi các lưu vực đại dương cũ hơn. Douwe van Hinsbergen tuyên bố: "Sự phân mảnh của Argoland bắt đầu từ 300 triệu năm trước".

Câu đố đã được giải đáp hoàn toàn phù hợp giữa các hệ thống địa chất lân cận của dãy Himalaya và Philippines. Nghiên cứu này cũng giải thích tại sao Argoland lại bị phân mảnh như vậy: sự phân mảnh có thể đã tăng tốc vào thời điểm 215 triệu năm trước, khi lục địa này vỡ thành những mảnh mỏng. 

Các nhà địa chất cũng đã tiến hành nghiên cứu thực địa trên một số hòn đảo, bao gồm Sumatra, Quần đảo Andaman, Borneo, Sulawesi và Timor, để kiểm tra mô hình của họ và xác định tuổi của các tầng đá chính.

Ý nghĩa của khám phá

Theo Eldert Advokaat, quỹ đạo và sự phân mảnh của Argoland có thể mang lại những manh mối có giá trị về điều kiện khí hậu của khu vực khi lục địa này vẫn còn tồn tại.

Các chuyển động kiến tạo ảnh hưởng đến dòng hải lưu, hoàn lưu khí quyển và do đó ảnh hưởng đến khí hậu. Hinsbergen, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái khám phá này đối với sự hiểu biết toàn cầu về kiến tạo mảng.

Ngoài ra, nó cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách các lục địa hình thành, di chuyển và cuối cùng biến mất cũng như cách các quá trình này ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sự phát triển của hệ sinh thái.