Loài giun kì lạ có thể là "cứu tinh” của thế giới

(Dân trí) - Các nhà khoa học từ Canada vừa có một phát hiện đáng chú ý được cho có thể là lời giải cho vấn đề rác thải nhựa của con người.

Loài giun kì lạ có thể là cứu tinh” của thế giới - 1
Loài giun sáp được cho có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên Trái đất.

Thông thường, các loài giun có khả năng ăn polyetylen dường như xuất phát từ các vi khuẩn đặc biệt cư ngụ trong ruột của chúng. Xuất phát từ những thông tin này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Brandon ở Canada đã đạt được tiến bộ trong việc tìm hiểu bản chất của một con sâu nhỏ dường như có thể sống sót nhờ chế độ ăn bằng nhựa.

Sinh vật nhỏ bé được nhắc đến được gọi là giun sáp thực tế đã được quan tâm và phát hiện vào năm 2017 khi các nhà khoa học cho rằng loài giun này thường sống trong tổ ong và ăn sáp, có thể trở thành câu trả lời cho ít nhất một số khía cạnh của vấn đề ô nhiễm mà nhân loại hiện nay phải đối mặt, đó là khả năng ăn polyethylene - loại nhựa thường được sử dụng trong bao bì, như túi nhựa chậm phân huỷ sinh học.

Nhóm nghiên cứu đã xác định khoảng 60 con giun sáp có thể ăn hơn 30 cm vuông túi nhựa trong vòng chưa đầy một tuần và bài tiết glycol.

Những con giun rõ ràng có khả năng thực hiện những chiến công như vậy nhờ vào vi khuẩn kỳ dị cư ngụ trong ruột của chúng.

"Điều mà nghiên cứu của chúng tôi đang cố gắng tìm ra là làm thế nào con giun sáp và vi khuẩn đường ruột của nó phối hợp với nhau để cho phép phân hủy nhựa hiệu quả như vậy. Một khi chúng ta tìm ra điều này, chúng ta có thể sử dụng để thiết kế các công cụ tốt hơn giúp loại bỏ nhựa khỏi môi trường của chúng ta", tiến sĩ Bryan Cassone, một trong những tác giả của nghiên cứu mới cho biết.

Hiện tại, tiến sĩ Cassone và đồng nghiệp của ông cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Christophe LeMoine, đang tìm cách kiểm tra thêm mối quan hệ giữa giun và vi khuẩn đường ruột của chúng, để hiểu rõ hơn về sức mạnh tổng hợp giữa chúng làm thế nào có thể tiêu thụ nhựa nhanh như vậy.

Khôi Nguyên

Theo Sputnik