Liên tục xảy ra động đất và dư chấn, Việt Nam có đáng lo ngại?

(Dân trí) - Tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có nhiều trận động đất xảy ra ở Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của các đợt dư chấn từ các trận động đất ở Lào, Trung Quốc,… Với số lượng tần suất diễn ra các trận động đất khá nhiều như vậy thì có đáng lo ngại?

Khoảng 6h55 sáng nay (21/11), nhiều người dân sinh sống ở các chung cư cao tầng khu vực nội thành Hà Nội có cảm giác đồ vật trong nhà rung lắc giống như có động đất. Ngay sau đó, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu đã phát đi thông báo: Vào hồi 23 giờ 50 phút 42 giây (giờ GMT) ngày 20 tháng 11 năm 2019 tức 06 giờ 50 phút 42 giây (giờ Hà Nội) ngày 21 tháng 11 năm 2019 một trận động đất có độ lớn 6.1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (19.46 độ vĩ Bắc, 101.26 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 38 km. Động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Sayabouly, Lào.

Như vậy Hà Nội bị ảnh hưởng các đợt dư chấn của động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Sayabouly, Lào nên dẫn đến hiện tượng nhiều vật dụng bị rung lắc ở các khu chung cư cao tầng.

Liên tục xảy ra động đất và dư chấn, Việt Nam có đáng lo ngại? - 1

Vị trí chấn tâm động đất xảy ra ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An ngày 20/11. 

Hôm qua, ngày 20/11, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng phát đi thông báo về động đất có vị trí chấn tâm ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Cụ thể, Vào hồi 08 giờ 32 phút 54.2 giây (giờ GMT) ngày 20 tháng 11 năm 2019 tức 15 giờ 32 phút 54.2 giây (giờ Hà Nội) ngày 20 tháng 11 năm 2019 một trận động đất có độ lớn 4.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (19.172 độ vĩ Bắc, 105.133 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10.0 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Trước đó đơn vị này cũng thông tin, vào hồi 15 giờ 58 phút 02 giây (giờ GMT) ngày 17 tháng 11 năm 2019 tức 22 giờ 58 phút 02 giây (giờ Hà Nội) ngày 17 tháng 11 năm 2019 một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (16.269 độ vĩ Bắc, 107.315 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 11.0 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Như vậy trong 21 ngày của tháng 11, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu đã đưa ra 3 thông báo về động đất.

Truy lại các tháng trước đó cho thấy, tháng 10 xảy ra một trận động đất ở Điện Biên. Cụ thể, Vào hồi 04 giờ 34 phút 42 giây (giờ GMT) ngày 06 tháng 10 năm 2019 tức 11 giờ 34 phút 42 giây (giờ Hà Nội) ngày 06 tháng 10 năm 2019 một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.923 độ vĩ Bắc, 102.857 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Tháng 9 có 2 vụ động đất xảy ra ở  khu vực huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; hai vụ động đất ở khu vực huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Tháng 8, động đất xảy ra tại khu vực vùng biển ngoài khơi tỉnh Nam Định (cách bờ biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định khoảng 25 km); khu vực huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; khu vực TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; Tháng 7 xảy ra động đất ở khu vực huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (độ lớn 2.5); khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (độ lớn 3.8); Động đất xảy ra tại khu vực huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (độ lớn 2.6); Động đất xảy ra tại khu vực huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn (độ lớn 2.7);  Động đất xảy ra tại khu vực huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (độ lớn 3.5); Động đất xảy ra tại  khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (độ lớn 2.8).

Tháng 6 xảy ra động đất tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên (độ lớn 4.0); Tháng 5 động đất xảy ra tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa (độ lớn 2.8); huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên (độ lớn 4.0); huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (độ lớn 2.4)... 

Đặc điểm chung của các trận động đất ở Việt Nam năm 2019 đều có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5-4.2 nên chưa gây ảnh hưởng hay thiệt hại đáng kể nào.

Trao đổi với Dân trí về diễn biến các trận động đất vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết: Số lượng các trận động đất hàng năm tăng lên hay giảm xuống là điều bình thường. Hoạt động động đất vẫn tích lũy năng lượng và sau đó giải phóng nên xảy ra các hiện tượng như vậy.

“Ở Việt Nam mới chỉ xảy ra các vụ trận động đất với cường độ nhỏ, chưa gây thiệt hại. Còn vụ động đất sáng nay (21/11) có cường độ lớn thì lại xảy ra ở Lào nên Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng dư chấn”, Tiến sĩ Xuân Anh cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Xuân Anh, tình hình thiên tai thì không thể nói trước được điều gì nên bắt buộc phải quan sát. Nếu có bất kì thông tin gì thì Viện Vật lý địa cầu sẽ thông báo công khai cho người dân được biết.

Nguyễn Hùng