Lần đầu tiên tiết lộ khuôn mặt của người đàn ông 9.500 tuổi
(Dân trí) - Một trong những vật phẩm quan trọng nhất của bảo tàng Anh – Jericho Skull – đã được các nhà nghiên cứu thực hiện kỹ thuật đảo ngược và tiết lộ về khuôn mặt của một người đàn ông từ khoảng 9.500 năm trước với hài cốt được trang trí và thờ phụng.
Jericho Skull cũng được xem là chân dung lâu đời nhất trong bộ sưu tập của bảo tàng, và cho đến gần đây, bí ẩn lớn nhất của nó – một hộp sọ con người bị cắt ngắn và bao phủ trong lớp thạch cao đã bị hư hỏng, và các hốc mắt được lắp các vỏ sò đơn giản – mới bắt đầu dần hiển thị.
Hiện nay, nhờ vào hình ảnh kỹ thuật số, công nghệ in 3D và các kỹ thuật tái thiết pháp y, các chuyên gia đã tái tạo khuôn mặt của người bên trong Jericho Skull, hóa ra đó là khuôn mặt của một người đàn ông khoảng 40 tuổi với cái mũi gãy do một nguyên nhân nào đó khi còn sống.
Một khám phá chưa từng có
Jericho Skull là một trong bảy hộp sọ thời kỳ đồ đá được trát và trang trí, do nhà khảo cổ Kathleen Kenyon khai quật năm 1953 tại khu vực Tell es- Sultan, gần Bờ Tây thành phố Jericho ngày nay. Phát hiện này đã làm cho Kenyon nổi tiếng toàn thế giới vì trước đó không ai từng nghĩ ở khu vực đó lại tồn tại những tác phẩm này.
Mặc dù bảy hộp sọ rất khác nhau về chi tiết, nhưng ban đầu, tất cả đều được nhồi đất vào bên trong để chống đỡ cho lớp xương mặt yếu ớt, sau đó mới được phủ một lớp thạch cao ướt để tạo ra các đặc điểm khuôn mặt của từng cá nhân, chẳng hạn như tai, má và mũi. Các vỏ sò nhỏ tượng trưng cho mắt và một số hộp sọ có dấu vết của sơn.
Phần hộp sọ này dường như đang được trưng bày, trong khi phần còn lại của cơ thể thì được chôn bên dưới nhà – đây là truyền thống rất phổ biến trong thời kỳ năm 8.200 – 7.500 trước Công nguyên.
Jericho Skull được tìm thấy khi bị chôn lấp cùng với một vài hộp sọ có phủ thạch cao khác, nhưng lại trở nên nổi tiếng nhất vì được bảo quản rất tốt.
Kể từ phát hiện của Kenyon, đã có hơn 50 hộp sọ cũng trang trí như vậy được phát hiện ở các khu vực thuộc về thời kỳ Đồ đá mới từ Trung Đông tới miền trung Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều đồng thuận rằng các vật thể này đại diện cho một hình thức thờ cúng tổ tiên sơ khai, nhưng có rất ít thông tin và lý do về những người được chọn để trở thành bất tử trong lớp thạch cao này.
Trong bức ảnh chụp năm 1953 này, nhà khảo cổ Kathleen Kenyon (phải) và kỹ thuật viên Cecil Western đang kiểm tra các hộp sọ thạch cao thuộc về thời kỳ Đồ đá mới vừa được khai quật ở Tell Es-Sultan, gần Jericho.
Các hộp sọ thạch cao của thời kỳ Đồ đá mới khác cũng đang được kiểm tra kỹ thuật số, tuy nhiên Jericho Skull ở bảo tàng Anh là đối tượng đầu tiên được in 3D và được công khai.
Tách xương khỏi lớp thạch cao
Hàng ngàn năm trôi qua đã xóa đi nhiều chi tiết vật lý khỏi lớp thạch cao bao phủ hộp sọ, và phương pháp quét tia X truyền thống cũng không thể phân biệt giữa xương và thạch cao do mật độ của chúng là tương tự nhau.
Cho đến khi Jericho Skull được trải qua quá trình vi quét cắt lớp năm 2009, các nhà nghiên cứu mới có thể hình dung ra những bộ phận của con người bên dưới lớp thạch cao. Quá trình quét cắt lớp cho thấy đó là một hộp sọ của người lớn (với hàm dưới đã bị gỡ bỏ), và có khả năng là một người đàn ông. Các vách ngăn đã bị hỏng, rằng hàm phía sau cũng đã bị mất. Có một lỗ hổng được khắc ở mặt sau của hộp sọ để có thể nhồi đất vào, và quá trình chụp quét này còn cho thấy có một dấu ngón tay của ai đó khi dùng đất sét để bịt kín lỗ hổng này.
Một trong số những cách tốt nhất là thu thập các thông tin từ mẫu ADN, mặc dù quá trình thu thập ADN có thể sẽ làm hỏng hộp sọ này trong khi lại không đảm bảo mang lại kết quả gì.
Alexandre Fletcher, người quản lý Bảo tàng Anh cho rằng “nếu có thể tách ADN của người bên dưới lớp thạch cao, thì sẽ có một cơ hội rất nhỏ rằng chúng ta sẽ có thể biết được màu mắt và màu tóc của người này”. Đó là cơ hội rất nhỏ, vì ADN được bảo quản trong hài cốt của người cổ đại như vậy thường hết sức nghèo nàn để có thể thu được bất kỳ thông tin gì.
Anh Thư (Tổng hợp)