Làm giả dữ liệu nghiên cứu khoa học, phi hành gia bị kỷ luật
(Dân trí) - Việc thực hiện thí nghiệm cẩu thả đã làm tổn hại đến độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu, cũng như giá trị khoa học của toàn bộ công trình nói chung.
Mới đây, theo Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, một nhóm các nhà nghiên cứu bị phát hiện đã ngụy tạo kết quả của thí nghiệm mô phỏng sự sống trên Trạm vũ trụ quốc tế. Người chịu trách nhiệm là Satoshi Furukawa, phi hành gia 58 tuổi với vai trò giám sát dự án.
Được biết, nhóm của ông đã có những hành động thay đổi một lượng lớn dữ liệu liên quan đến những người tham gia thí nghiệm để đạt được kết quả mong muốn.
Trả lời về vụ việc, Phó chủ tịch JAXA Hiroshi Sasaki cho biết việc thực hiện thí nghiệm cẩu thả đã làm tổn hại đến độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu, cũng như giá trị khoa học của toàn bộ công trình nói chung.
Ông Sasaki cho biết phi hành gia này sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật "thích đáng". Thế nhưng, vì bản thân Satoshi Furukawa không trực tiếp tham gia vào việc ngụy tạo dữ liệu nên nhiệm vụ sắp tới của ông trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2023 sẽ không bị ảnh hưởng.
Thử nghiệm nói trên có sự tham gia của khoảng 40 người bị giam giữ trong môi trường khép kín 2 tuần tại một cơ sở mô phỏng ở Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản để đánh giá mức độ căng thẳng và sức khỏe tinh thần của họ.
Sau khoảng thời gian đó, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích để đưa ra những kết quả nhằm phục vụ mục đích khoa học. Mặc dù vậy, một số người tham gia tuyên bố rằng họ quá bận rộn để dành đủ thời gian cho việc thu thập dữ liệu.
Chính sự hạn chế này đã dẫn đến hành động làm giả dữ liệu nghiên cứu đầy tranh cãi của nhóm. Ước tính, thí nghiệm có tổng trị giá khoảng 1,4 triệu USD, được thực hiện từ năm 2016 đến 2017.