Kỳ lạ loài ong sử dụng … phân động vật làm vũ khí bảo vệ tổ

Trang Phạm

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu về tổ ong ở Việt Nam, khi bị đe dọa bởi một loài ong bắp cày khổng lồ (Vespa soror), những con ong thợ sẽ bay đi thu thập phân động vật tươi để bôi quanh lối vào tổ của chúng.

Kỳ lạ loài ong sử dụng … phân động vật làm vũ khí bảo vệ tổ - 1

Vẫn chưa rõ phân này thực sự bảo vệ tổ ong như thế nào, nhưng trên thực tế, nó dường như ngăn ong bắp cày do thám và tấn công.

"Chúng tôi lập luận rằng loài ong mật phương Đông kiếm phân động vật vì nó có đặc tính xua đuổi loài săn mồi chết người này khỏi lối vào tổ", các nhà nghiên cứu cho biết.

Các nhà khoa học đã biết trong nhiều năm rằng ong mật phương Đông có thể học cách sử dụng các công cụ trong phòng thí nghiệm, nhưng những kỹ năng như vậy chưa bao giờ được quan sát trong môi trường tự nhiên với vật chất không phải thực vật.

Mặc dù ong mật thực sự thu thập vật liệu từ thực vật để xây tổ của chúng, bao gồm mật hoa, phấn hoa và nhựa thực vật, nhưng về mặt kỹ thuật, đây không được coi là công cụ sử dụng. Định nghĩa của một công cụ yêu cầu một đối tượng phải được tìm thấy bên ngoài, trước khi được thay đổi theo một cách nào đó để phù hợp với mục đích sử dụng. Khi sử dụng vật liệu mới được sắp xếp này, con vật phải định hướng vật thể sao cho hiệu quả nhất.

"Đốm phân" hay còn gọi là phân bôi bẩn trên tổ ong là ví dụ rõ ràng đầu tiên về loài ong sử dụng một công cụ trong tự nhiên.

Đối với ong mật phương Đông, các tác giả nói rằng đó là một vũ khí đáng chú ý trong "danh mục phòng thủ vốn đã tinh vi" chống lại kẻ thù đáng gờm.

Loài ong bắp cày khổng lồ, V. soror, là một trong những loài phổ biến nhất ở Nam Á và là kẻ giết ong mật bản địa. Một số loài ong bắp cày khổng lồ có thể giết hàng nghìn con ong chỉ trong vòng vài giờ. Trong một bầy, đôi khi chúng có thể chiếm toàn bộ tổ.

Thật không may, ong bắp cày khổng lồ ở châu Á không thể bị xua đuổi chỉ bằng một vết nọc độc. Thông thường, những kẻ săn mồi này rất to lớn, một cú chọc độc từ một con ong thợ sẽ không làm được gì nhiều với ong bắp cày.

Chúng ta trước đó đã biết rằng ong mật đã phát triển một hệ thống báo động độc đáo chống lại ong bắp cày - nơi một con ong thợ sẽ rút về tổ của mình và cảnh báo những con khác bằng pheromone nếu nó phát hiện ra ong bắp cày.

Khi các nhà nghiên cứu đưa ong bắp cày khổng lồ hoặc hóa chất đánh dấu tổ của chúng vào thực địa, ong mật bắt đầu trang trí lối vào tổ của chúng với phân và rác rưởi.

Ngay cả khi các cuộc tấn công đã dừng lại, những con ong vẫn tiếp tục trong vài ngày nữa. Những con ong đã thực hiện các điệu nhảy "khẩn cấp" bên ngoài lối vào tổ ong của chúng khi bị ong bắp cày đe dọa và những con ong nhỏ bé này dường như còn chiêu mộ những con khác làm bẩn lối vào bằng bất kỳ biện pháp phòng thủ nào mà chúng có thể tìm thấy trong tự nhiên.

Tuy nhiên, điều thú vị là điều này chỉ xảy ra nếu tổ ong bị ong bắp cày V. soror tấn công, hoặc nếu tổ ong được đưa vào các hóa chất đánh dấu tổ của loài săn mồi khác.

Khi bị tấn công bởi một loại ong bắp cày khổng lồ khác, ít gây chết người hơn và nhỏ hơn (V. velutina) - một loại hiếm khi tấn công theo bầy đàn và thường bắt từng con ong bên ngoài tổ - không quan sát thấy vết bẩn phân trên tổ ong mật.

Nghiên cứu sâu hơn sẽ cần phải tìm ra chính xác làm thế nào những đốm phân này thực sự ngăn chặn ong bắp cày đói. Ví dụ, rác rưởi có thể chứa các hợp chất độc hại đẩy lùi những kẻ săn mồi khỏi tổ, hoặc chúng có thể che dấu các dấu hiệu hóa học của ong bắp cày trinh sát. Điều rõ ràng là phân có vẻ hoạt động.

Nếu không kiếm tìm được phân tươi và rác, nghiên cứu cho thấy các đàn ong mật phương Đông sẽ dễ bị ong bắp cày khổng lồ tấn công hơn ở Việt Nam.

"Một tổ ong có đốm vừa phải hoặc nặng trên tổ của nó sẽ giảm khả năng ong bắp cày đậu và gặm lối vào của nó, đây là lối vào duy nhất cho những kẻ tấn công. Nếu ong bắp cày đậu trên một tổ ong mật phương Đông, việc phát hiện đốm từ trung bình đến nặng đã làm giảm đáng kể thời gian ong bắp cày cố gắng phá tổ bằng cách hạ cánh gần lối vào", các tác giả cho biết.