Khủng long cũng bị… chấy rận

(Dân trí) - Một loài côn trùng mới được xác định đã được tìm thấy trên lông của một con khủng long giữa kỷ Phấn trắng bị mắc kẹt bên trong hổ phách. Với xấp xỉ 100 triệu năm tuổi, những con côn trùng giống như con chấy này là bằng chứng sớm nhất cho thấy sự xuất hiện của chấy rận cổ đại.

Khủng long cũng bị… chấy rận - 1
Hình ảnh loài ký sinh trùng cổ đại trong hổ phách mới được phát hiện.

Báo cáo trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu cho biết hai khối hổ phách ban đầu được phát hiện ở tỉnh Kachin phía bắc Myanmar. Hai mảnh hổ phách này có niên đại vào giữa thời kỳ kỷ Phấn trắng ở đâu đó quanh mốc 100 triệu năm tuổi.

Bên trong hai mảnh hổ phách, các nhà khoa học từ Đại học sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Mỹ đã tìm thấy 10 con côn trùng cổ đại được bảo quản trên hai chiếc lông khủng long, có chiều dài 12,7 mm và 13,6 mm.

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về loài khủng long, họ tin rằng cọng lông thuộc về một loài khủng long coelurizardian không phải là loài chim, một nhánh rộng bao gồm tyrannizards, ornithomimizards và maniraptorans.

Có lẽ thú vị nhất trong tất cả, một trong những chiếc lông dường như bị hư hại, cho thấy nó đã bị chấy rận. Được đặt tên là Mesophthirus engeli, loài côn trùng ký sinh trên lông khủng long dài 0,14 mm đến 0,23 mm cực kỳ giống với loại rận hiện đại.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên ký sinh trùng sống trên khủng long được mô tả, nhưng đây là bằng chứng trực tiếp sớm nhất về các loài côn trùng giống như chấy rận trú ngụ trong lông của khủng long giữa kỷ Phấn trắng. Đây là thời kỳ chứng kiến ​​sự đa dạng hóa khổng lồ của các loài chim và khủng long có lông khác. Dường như, rận M. engeli đã tận dụng tối đa lợi thế này.

"Phát hiện này chứng minh sự xuất hiện của chấy rận ít nhất đã có ở giữa kỷ Phấn trắng", các tác giả nghiên cứu viết.

Một nghiên cứu từng được công bố vào năm 2017 cho biết về việc phát hiện ra một con bọ ve hút máu của khủng long lông vũ từ thời kỳ kỷ Phấn trắng.

Khôi Nguyên

Theo IFL Science