1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khoa học lý giải bí ẩn những đồi cát biết "hát"

Minh Khôi

(Dân trí) - Điều gì bí ẩn khiến cho những cồn cát có thể phát ra "bản nhạc" rung động lòng người như vậy?

Khoa học lý giải bí ẩn những đồi cát biết hát - 1

Các đụn cát tại Rub' al Khali, hoang mạc cát không gián đoạn lớn nhất thế giới tại Ả Rập Saudi. Ảnh: Wikipedia

Thế giới tự nhiên có rất nhiều điều bí ẩn và kỳ lạ mà tới nay vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng. Một trong số đó đến từ những sa mạc hoang vắng nằm ngoài nền văn minh của nhân loại: những đồi cát biết "hát".

Xuyên suốt lịch sử của nhân loại, những nhà thám hiểm sa mạc sau khi may mắn sống sót trở về, đã kể những câu chuyện kỳ lạ mà họ được chứng kiến, xảy ra giữa các cồn cát.  

Theo họ, chính những bãi cát đã phát ra những âm thanh bí ẩn, từ tiếng rít nhẹ cho đến âm thanh như tiếng sáo, nhưng cũng có lúc gầm rú, "ầm ầm", hay thậm chí là những tiếng nổ đáng sợ, vang xa hàng kilomet. 

Nhiều giả thuyết đáng sợ được đặt ra

Lời giải thích ban đầu về điều này đến từ nhà thám hiểm "huyền thoại" Marco Polo vào thế kỷ 12, người mô tả những âm thanh dị thường là "âm thanh của tất cả các loại nhạc cụ, cũng như tiếng trống và tiếng va chạm của cánh tay". 

Sau này, hiện tượng bí ẩn của những đồi cát biết "hát" được nhắc đến bởi những tác phẩm văn học, cho rằng chúng là những linh hồn sa mạc độc ác, hay những loài sinh vật huyền bí  ẩn nấp phía sau nơi hoang vu, ít bóng người nhất trên thế giới. 

Khoa học lý giải bí ẩn những đồi cát biết hát - 2

Âm thanh khi thì réo rắt, khi thì đáng sợ phát ra từ phía sau những đồi cát trên sa mạc. Ảnh minh họa

Vào thế kỷ 19, hiện tượng này vẫn còn khiến người ta hoang mang, và thậm chí còn được chính Charles Darwin đề cập đến trong các tài liệu khoa học.

Một tài liệu đáng chú ý về "đồi cát ca hát" được đưa ra bởi nhà ngoại giao và nhà thám hiểm người Anh Bertram Sidney Thomas khoảng những năm 1930-1931. Ông được biết đến là người phương Tây đầu tiên vượt qua Rub 'al Khali - hay còn gọi là "Khu phố trống", hoang mạc cát không gián đoạn lớn nhất thế giới tại Ả Rập Saudi. 

Trong chuyến thám hiểm này, Thomas ghi lại những trải nghiệm âm thanh lớn như của nốt nhạc phát ra từ một đồi cát. Thế nhưng có lúc, ông nghe thấy âm thanh phát ra từ ngay bên dưới chân con lạc đà của mình, hay thậm chí trong chính căn lều - nơi ông dùng làm trạm nghỉ.  

Người bản địa làm nhiệm vụ hướng dẫn cho Thomas giải thích rằng những âm thanh có nguồn gốc từ các linh hồn địa ngục, và đây là cách mà chúng nói chuyện với nhau. 

Khoa học lý giải về hiện tượng bí ẩn

Trước hiện tượng bí ẩn, các nhà khoa học đã có nhiều giả thuyết và cách giải thích khác nhau. Một số cho rằng, âm thanh là do các hạt cát cọ xát vào nhau và chúng mang tĩnh điện, khi có ngoại lực tác động chúng va đập vào nhau và xảy ra hiện tượng phóng điện vì vậy mà phát ra âm thanh.

Một quan điểm khác thì cho rằng, dưới đồi cát có một lớp cát ẩm. Khi đồi cát xảy ra hiện tượng sụt lún, do lớp cát có sự trôi dạt thành hình sóng trên bề mặt, lớp bề mặt lại truyền chấn động xuống lớp cát ẩm ướt, lớp cát ẩm ướt sinh ra một loại chấn động giống như nhạc khí, từ đó phát ra âm thanh.

Còn có quan điểm cho rằng, giữa những hạt cát có khe hở, không khí chuyển động trong đó tạo thành những bầu cộng hưởng âm thanh. Khi đồi cát sụt đổ, không khí ở trong đó ra ra vào vào, dẫn đến sự chấn động của không khí, từ đó mà phát ra âm thanh. 

Vẫn còn quan điểm dùng lý luận về nhiệt độ lên xuống và hình thức vận động khác nhau của đồi cát để giải thích sự kỳ diệu đó của thiên nhiên.

Khoa học lý giải bí ẩn những đồi cát biết hát - 3

Sa mạc Sahara ở phía Tây Nam Ma-Rốc. Ảnh: Wikipedia

Để trả lời câu hỏi trên, các chuyên gia đã nghiên cứu âm thanh phát xuất từ 2 cồn cát khác nhau: một ở sa mạc Sahara nằm phía Tây Nam Ma-Rốc, và một ở gần Al-Askharah, một thị trấn bờ biển ở phía đông nam Oman, trên bán đảo Ả Rập Saudi. 

Tại Ma Rốc, cát liên tục phát ra âm thanh ở tần số 105 Hertz. Còn cát ở Oman dao động từ 90 đến 150 Hertz. Sự khác biệt trên là do hình dạng và kích thước của cát. Trong khi cát ở Ma Rốc hầu như tương đồng về kích cỡ và hình dạng, cát ở Oman tập hợp nhiều loại khác nhau. 

Kết quả thí nghiệm cho thấy những bài hát của đồi cát của cát phụ thuộc vào kích thước của từng hạt và tốc độ chúng di chuyển trong không khí.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy loại âm thanh êm tai này thường chỉ được phát ra trong điều kiện thời tiết gió nhẹ, nắng đẹp. Bên cạnh đó, hạt cát càng khô thì tiếng kêu càng to. Còn những khi ẩm ướt, ngày mưa hay mùa đông thì những hạt cát đó lại thường câm lặng. 

Từ đó, khoa học dần lý giải cho hiện tượng kỳ bí này có thể chỉ là do ma sát giữa những hạt cát, theo một số luận điểm trước đó đã chỉ ra, chứ không hề có hiện tượng tâm linh hay ma quỷ nào.