Khoa học cùng với bé: Mặt Trời đứng im hay cũng tự xoay quanh mình như Trái Đất?

(Dân trí) - Câu trả lời là có, Mặt Trời có xoay quanh chính nó. Thực tế là tất cả mọi vật trong vũ trụ đều xoay. Một số vật thể xoay nhanh hơn, một số chậm hơn Mặt Trời, mà một số khác nữa thậm chí lại xoay theo chiều ngược.

Mặt Trời bắt đầu tự xoay từ bao giờ? À, khi bắt đầu ra đời, Mặt Trời là một đám mây khí khổng lồ xoáy cuộn. Chuyển động xoáy cuộn đó dần dần lớn mạnh và làm cho Mặt Trời xoay quanh mình.

Khoa học cùng với bé: Mặt Trời đứng im hay cũng tự xoay quanh mình như Trái Đất? - 1

Một điều thú vị nữa về việc Mặt Trời tự quay quanh mình là phần giữa của nó, tức là vùng xích đạo, quay nhanh hơn phần chóp và phần đáy, hay còn gọi là hai cực của Mặt Trời. Lí do là vì Mặt Trời không phải là một vật thể rắn mà nó là một quả cầu khí.

Vào quãng thời gian mới hình thành, Mặt Trời tự quay rất nhanh. Một vòng xoay của nó chỉ mất vài ngày trên Trái Đất. Nhưng càng về sau, Mặt Trời càng xoay chậm hơn. Hiện nay nó xoay 1 vòng mất 25 ngày tính ở vùng xích đạo và 35 ngày tính ở hai cực. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đợi gần 1 tháng trên Trái Đất thì Mặt Trời mới xoay hết một vòng.

Nguyên nhân của việc Mặt Trời xoay chậm dần rất khó giải thích, nhưng chắc chắn là do từ trường của nó. Khi nó còn trẻ và nhiều năng lượng, nó xoay rất nhanh và từ trường cực kì mạnh. Từ trường lớn mạnh như vậy quét vào vũ trụ như một cái phanh làm Mặt Trời xoay chậm lại. Việc xoay chậm lại làm cho từ trường yếu dần, vì thế ngày nay Mặt Trời cũng giảm tốc độ rất chậm.

Một số vật thể trong không gian xoay cực kì nhanh

Bạn đã bao giờ nghe thấy từ “sao xung” chưa? Sao xung là những gì còn lại sau khi một ngôi sao chết đi. Nó quay cực kì nhanh và trên thực tế nó có thể xoay 1 vòng quanh mình chỉ mất một phần của 1 giây.

Làm sao người ta lại biết được điều đó? Là vì các sao xung bắn ra chùm năng lượng rất lớn và chúng ta có thể bắt được chớp lóe của chùm năng lượng đó khi nó đi qua, tương tự như ánh đèn của ngọn hải đăng quét trong đêm tối, có điều là nhanh hơn đèn hải đăng rất nhiều.

Các chớp lóe năng lượng phát ra từ sao xung phát ra rất nhanh và đều đặn, vì thế chúng ta biết được nó đang xoay cực kì nhanh.

Như vậy bạn có thể thấy rất nhiều vật thể trong không gian lúc nào cũng xoay. Thiên hà của chúng ta cũng xoay.

Thế vì sao chúng ta không bị chóng mặt khi tất cả mọi thứ đều xoay? Con người sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy nên chúng ta quen với việc đó và không cảm nhận rõ ràng, nhưng nếu tất cả mọi thứ đều dừng lại không xoay nữa thì chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện ra ngay (tuy nhiên điều này chắc là không xảy ra đâu!).

Phạm Hường 

Theo The Conversation

Dòng sự kiện: Khoa học cùng với bé