Khám phá đặc biệt về đài quan sát thiên văn lớn nhất ở Ai Cập cổ đại

Nam Đoàn

(Dân trí) - Người Ai Cập cổ đại đã để lại di sản lịch năm 365 ngày và một ngày có 24 giờ, cũng như những bản đồ chính xác đầu tiên về bầu trời, được tạo ra nhờ một công trình cực kỳ phức tạp vào thời đó.

Khám phá đặc biệt về đài quan sát thiên văn lớn nhất ở Ai Cập cổ đại - 1
Đài quan sát thiên văn của người Ai Cập cổ đại mới được phát hiện (Ảnh: FS).

Các nhà khảo cổ đã khai quật được một trong những công trình lớn nhất Ai Cập từng được xây dựng, đài thiên văn Bouto ở thành phố Kafr El Sheikh (Đông Bắc Ai Cập).

Đây là một khám phá đặc biệt chứng tỏ kiến thức tuyệt vời của người Ai Cập cổ đại về bầu trời và lối sống của họ.

Đài quan sát thiên văn này đã "ngủ" dưới cát ở Hạ Ai Cập trong 2.500 năm qua, có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một đại sảnh lớn được trang trí bằng những bức họa mô tả cảnh thiên văn và các biểu tượng tôn giáo.

Đài quan sát này không chỉ là một trung tâm khoa học, đây còn là nơi linh thiêng của các nhà thiên văn học, linh mục dùng để xác định ngày tháng những nghi lễ, lễ hội, theo dõi lịch và đảm bảo sự hòa hợp giữa trời và đất - một khái niệm quan trọng trong tôn giáo Ai Cập.

Việc phát hiện ra đài quan sát Bouto vĩ đại đã mở ra một cửa sổ trên bầu trời và về quá khứ, cho phép chúng ta làm sáng tỏ những thói quen và phong tục ít được biết đến góp phần to lớn vào sự phát triển của thế giới.

Ở đó, các nhà thiên văn học đầu tiên đã cần mẫn theo dõi chuyển động của Mặt Trời và các ngôi sao, một hoạt động thiết yếu trong cuộc sống của người Ai Cập cổ đại.

Rõ ràng người Ai Cập nằm trong số những nhà thiên văn học lão luyện nhất trong lịch sử cổ đại, di sản của họ vẫn còn vang vọng đến ngày nay. Đây là cái nôi ra đời lịch một năm gồm 365 ngày và một ngày có 24 giờ.

Người Ai Cập cổ đã lập bản đồ hoàn chỉnh bầu trời đêm, chòm sao và cung hoàng đạo riêng, một số cung hoàng đạo vẫn được công nhận cho đến ngày nay.

Ai Cập đã có truyền thống quan sát thiên văn lâu đời và dữ liệu thu thập được dùng để phục vụ tôn giáo, nông nghiệp và chính trị. Đài quan sát này là một phần của Đền thờ các Pharaoh ở Buto, Hạ Ai Cập, cách thành phố Alexandria khoảng 90km về phía đông.

Công trình được xây bằng gạch bùn, có diện tích 850 mét vuông với kiến trúc hình chữ L, lối vào hướng về phía Đông. Bên trong nó chứa nhiều đồ vật liên quan đến thiên văn học, trong đó quan trọng nhất là một chiếc đồng hồ đổ bóng lớn do người Ai Cập cổ đại thiết kế để theo dõi thời gian, sử dụng chuyển động của bóng khi Mặt Trời di chuyển trên bầu trời từ bình minh đến lúc hoàng hôn.

Chiếc đồng hồ đặc biệt này bao gồm một dãy các phiến đá vôi dài 4,8 mét, trên đó gắn 5 khối đá vôi phẳng, 3 khối thẳng đứng và 2 khối nằm ngang. Mặc dù đã cũ kỹ theo thời gian, trên các khối này, người ta từng khắc các đường để theo dõi độ nghiêng thay đổi của bóng đổ trên các khối khi Mặt Trời di chuyển.

Một khối đá lớn cũng được tìm thấy trong một căn phòng hình tròn bao gồm 2 khối đá tròn, một ở phía bắc và một ở phía tây, nó cũng được người Ai Cập cổ đại sử dụng để theo dõi độ nghiêng của Mặt Trời.

Bên cạnh đó, cuộc khai quật cũng tìm thấy được nhiều hiện vật trong đài quan sát bao gồm tượng đồng, bình gốm sứ...

Khám phá đặc biệt về đài quan sát thiên văn lớn nhất ở Ai Cập cổ đại - 2

Nhiều hiện vật được các nhà khoa học khai quật tại đài quan sát thiên văn từ thời Ai Cập cổ đại (Ảnh: Science Alert).

Thiên văn học có tầm quan trọng sâu sắc đối với người Ai Cập cổ đại. Họ sử dụng lịch do mình tạo ra để đánh dấu thời gian trôi qua và xác định ngày tháng của các nghi lễ tôn giáo và chính trị, chẳng hạn như lễ hội và lễ đăng quang.

Lịch cũng đóng vai trò để theo dõi lũ lụt hàng năm của sông Nile, nông nghiệp và hàng hải.

Ngày nay, chúng ta coi lịch là điều hiển nhiên - nó chỉ là một phần trong cuộc sống của loài người trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, ít nhất một phần, chúng ta phải cảm ơn công sức và sự khéo léo của các nhà thiên văn học Ai Cập cổ đại vì những di sản và kỹ thuật xây dựng vững chắc của họ, để những công trình như thế này vẫn tồn tại giúp chúng ta có thể nghiên cứu tìm hiểu giá trị lịch sử hàng nghìn năm sau, khi cuộc sống của chính họ biến mất vào cát bụi.