Học sinh An Lạc Thôn thắng lớn ở cuộc thi "Sáng tạo xanh"

(Dân trí) - Chỉ với 3 đề tài tham dự cuộc thi "Sáng tạo xanh" lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội nhưng học sinh trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) lại đạt thứ hạng rất cao. Đây cũng là ngôi trường mà nhiều năm liền liên tục có học sinh đi tham dự các cuộc thi quốc tế về lĩnh vực môi trường.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải (giáo viên trường THPT An Lạc Thông) cho biết, tham gia cuộc thi này có 1.497 đề tài, trong đó học sinh trường THPT An Lạc Thôn có 3 đề tài dự thi. Kết quả, học sinh trường này đạt một giải Nhì với đề tài “Thuốc trừ sâu sinh học” do các em học sinh Lê Song Hồ, Nguyễn Thị Yến Bình, Nguyễn Minh Tường và đề tài "Túi giữ nhiệt thân thiện" đạt giải Ba do các em La Ngọc Mỹ, Nguyễn Thị Hảo, Lê Ngọc Hạnh Nhi thực hiện.

Nhóm học sinh thực hiện đề tài Thuốc trừ sâu sinh học.
Nhóm học sinh thực hiện đề tài "Thuốc trừ sâu sinh học".

Nói về đề tài "Thuốc trừ sâu sinh học", em Lê Song Hồ cho biết: Theo tính toán từ tổ chức Nông - Lương (FAO) của Liên Hợp Quốc, hàng năm trên thế giới có khoảng 12,4 % tổng sản lượng cây trồng do sâu phá hoại, riêng ở lúa, sâu phá hoại trên 160 triệu tấn. Ở nước ta, hàng năm có trên 20% tổng sản lượng cây trồng nông nghiệp do sâu bệnh phá hoại. Từ đó, người dân đã tốn không ít thời gian và chi phí cho việc phòng trừ sâu hại cây trồng. Phần lớn người dân sử dụng chất hóa học để tiêu diệt sâu hại, nhưng khi sử dụng làm ảnh hưởng đến môi trường và đặc biệt là sức khỏe con người.

Làm thế nào để tạo ra một sản phẩm trừ sâu sinh học đơn giản, dễ làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nhưng đạt hiệu quả cao, thân thiện với môi trường đó là một câu hỏi lớn dành cho mọi người, trong đó có các em học sinh trường THPT An Lạc Thôn. Từ đó, nhóm học sinh đã tiến hành tìm hiểu và phân tích thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu ở địa phương, qua đó tiến hành thí nghiệm trích lấy các chất từ cây cúc dại và cây thuốc cá để tạo nên “Thuốc trừ sâu sinh học”.

Điểm nổi bật của sản phẩm thân thiện với môi trường, tiêu diệt trên 90% sâu hại rau màu chi phí thấp vì các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, cách sản xuất đơn giản, cách tạo ra sản phẩm dễ làm, có thể áp dụng rộng rãi nhằm thay thế các sản phẩm trừ sâu hóa học gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Các nông sản tạo ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn với đề tài “Túi giữ nhiệt thân thiện”, theo em Lê Ngọc Hạnh Nhi, nước là khởi nguồn của sự sống trên trái đất, đồng thời cũng là nguồn để duy trì sự sống tiếp tục tồn tại nơi đây. Sinh vật không có nước sẽ không thể sống nổi và con người nếu thiếu nước cũng sẽ không tồn tại. "Làm thế nào để giữ lạnh lâu các chai nước khi mang theo đi học, đó là một câu hỏi được nhóm đặt ra. Từ đó, nhóm đã tiến hành sử dụng giấy cách nhiệt và các vải vụn tạo nên các “Túi giữ nhiệt thân thiện", em Nhi chia sẻ.

Để có những chiếc túi giữ nhiệt thân thiện này, các em sử dụng nguyên liệu từ giấy cách nhiệt, vải vụn để may thành túi và khi may xong, các túi có thể được trang trí thêm bằng các họa tiết vui nhộn, bắt mắt trên túi để tăng vẽ mỹ quan, thân thiện với môi trường. Cho các chai nước ướp lạnh hay đông đá vào túi, sau đó rút dây lại và mang đi học, thế là có nước mát sử dụng trong cả buổi học. Kết quả của việc thử nghiệm cho thấy, túi có khả năng giữ nhiệt đến 98% nên được nhiều học sinh yêu thích, luôn mang theo khi đến trường.

Các học sinh đang thực nghiệm đề tài Thuốc trừ sâu sinh học.
Các học sinh đang thực nghiệm đề tài "Thuốc trừ sâu sinh học".

Được biết, cuộc thi “Giải thưởng Sáng tạo xanh” lần thứ 1 do Tổng cục Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức, nhằm tìm kiếm, giới thiệu và phổ biến các ý tưởng, mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của các em học sinh, sinh viên, qua đó tạo ra những thay đổi tích cực về nhận thức. Giải thưởng này được chia thành 3 nhóm gồm: Nhóm học sinh tiểu học và THCS; nhóm học sinh THPT; nhóm sinh viên trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các đối tượng khác có độ tuổi từ 19 đến 30 tuổi.

Theo thể lệ cuộc thi, các ý tưởng dự thi tập trung vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tập trung vào các nội dung như: Tiết kiệm năng lượng; sản phẩm thân thiện với môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; tái chế, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; giải pháp về mặt chính sách, giáo dục môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích, giúp tăng khả năng tư duy, sáng tạo và hình thành nhân cách tốt cho giới trẻ. Thời gian tới, nhà trường sẽ đưa thành hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Thông qua các mô hình, ý tưởng sáng tạo về bảo vệ môi trường, tăng cường sự quan tâm của giới trẻ về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, qua đó từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ, giữ gìn môi trường ngày càng tốt hơn.

Được biết, trường THPT An Lạc Thôn là một đơn vị nhiều năm liền có nhiều học sinh tham gia dự thi và đạt thành tích cao với các đề tài về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp quốc gia, được chọn đi dự thi quốc tế.

Cao Xuân Lương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm