Hàng loạt vệ tinh “made in Việt Nam” sắp được phóng lên quỹ đạo

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí sáng 19/5, ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết: Dự kiến vào năm 2018, các vệ tinh “made in Việt Nam” Nano Dragon và MicroDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo. Sau đó 3 năm, vệ tinh LOTUSat -2 quan sát trái đất với cảm biển radar cũng sẽ được phóng lên.

Tại cuộc tọa đàm về phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam sáng 19/5, ông Anh Tuấn cũng khẳng định:“Tuy Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (TTVTQG) mới hoạt động được 5 năm song đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác nghiên cứu, đào tạo, chế tạo và ứng dụng các sản phẩm công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh”


Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc TTVTQG trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề vệ tinh made in Việt Nam

Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc TTVTQG trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề vệ tinh "made in Việt Nam"

Cũng theo ông Anh Tuấn, vệ tinh “made in Việt Nam” đầu tiên được đưa lên quỹ đạo là PicoDragon. Đây là sản phẩm của đề tài “Chế tạo mô hình bay, thử nghiệm và phóng vệ tinh Pico lên quỹ đạo” được TTVTQG thực hiện từ tháng 8/2010 đến tháng 3/2013. PicoDragon được chế tạo với mục tiêu phục vụ đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từng bước tiếp cận quy trình thiết kế, chế tạo, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh. PicoDragon có kích thức 100x100x113,5 mm; khối lượng 984g; payload gồm camera chụp ảnh, độ phân giải tối đa 640x480 dpi; cảm biến tốc độ góc theo 3 trục. Sau khi phóng lên vệ tinh, PicoDragon đã hoạt động trên quỹ đạo trong khoảng thời gian 3 tháng (19/11/2013 đến 01/3/2014), và liên lạc thành công với các trạm mặt đất của TTVTQG và nhiều nước trên thế giới.

Hiện tại, dự án vệ tinh NanoDragon được thực hiện bởi đội ngũ 100% các kỹ sư và chuyên gia của TTVTQG. NanoDragon có trọng lượng dưới 10kg dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2018. Vệ tinh này có nhiệm vụ thực hiện việc giám sát rừng, tàu biển và thử nghiệm công nghệ.

Dự án vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng ven biển, ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, MicroDragon sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyền; Thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất; Thử nghiệm công nghệ vật liệu mới. MicroDragon của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2018 bằng tên lửa của Nhật Bản.

Lộ trình tự phát triển vệ tinh Việt Nam (Nguồn TTVTQG)
Lộ trình tự phát triển vệ tinh Việt Nam (Nguồn TTVTQG)

Vào tháng 3/2019, Dự án vệ tinh quan sát trái đất với cảm biến radar LOTUSat-1 sẽ được chế tạo, tích hợp, thử nghiệm tại Nhật Bản. Vệ tinh LOTUSat-1 được chế tạo, tích hợp, thử nghiệm tại TTVTQG bởi các cán bộ TTVTQG và sự hỗ trợ của các nhân viên Nhật Bản sẽ được phóng vào năm 2021. Các vệ tinh thuộc Dự án này có vai trò như là phương tiện phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống này sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu; Xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường…

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, Việt Nam chỉ có 1 vệ tinh viễn thám là VNREDSat-1 nên việc chụp ảnh vệ tinh vẫn còn thiếu. Hơn nữa, việc có nhiều đơn vị tham gia quy trình tiếp nhận, xử lý hình ảnh do vệ tinh này chụp dẫn đến nhiều bất cập.

Chính vì thế vệ tinh LOTUSat-1&2 sẽ là giải pháp trọn gói mà tại đó, cán bộ của TTVTQG sẽ là người làm tất cả các khâu từ thu nhận, xử lý ảnh chụp vệ tinh cho tới việc gửi tới khách hàng hay người dân cần sử dụng.

Với câu hỏi của báo Dân trí: “Công nghệ vệ tinh của Việt Nam đang đi sau các nước tiên tiến của thế giới bao lâu?” ông Vũ Việt Phương, Phó Giám đốc TTVTQG cho biết, những vệ tinh mà hiện nay Việt Nam đang chế tạo thì thế giới đã sản xuất từ 40 năm trước. Tuy nhiên, cho tới nay, những nước tiên tiến nhất về công nghệ vũ trụ như Mỹ vẫn đang sản xuất các loại vệ tinh này.

Giải thích việc không thể suốt ngày đặt hàng, mua vệ tinh của nước ngoài ông Phạm Anh Tuấn phân tích: Chỉ khi Việt Nam tự chế tạo được các vệ tinh “made in Việt Nam” thì Việt Nam mới có thể làm chủ được công nghệ vệ tinh. Chúng ta sẽ không thể làm chủ được công nghệ nếu cái gì cũng đi mua.

Nguyễn Hùng