GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ ngành vật lý học của Việt Nam

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Trong suốt 60 năm hoạt động của mình, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, và vẫn tràn đầy nhiệt huyết cho nhiều kế hoạch lớn.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ ngành vật lý học của Việt Nam - 1

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (Ảnh: Hữu Nghị).

Ngày 23/1/2022, thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, GS.VS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Hiệu (sinh ngày 21/7/1938) thời gian gần đây sức khỏe suy yếu do mắc bệnh về phổi, thận. Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 84 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu năm 18 tuổi đã tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, được điều về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trải qua cuộc đời không ngừng nghiên cứu, cống hiến cho ngành vật lý, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu được ghi nhận là nhà khoa học có uy tín và nổi tiếng trong giới khoa học trong nước cũng như nước ngoài. Ông từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3, viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử.

Cơ duyên đến với ngành vật lý

Sinh ra tại làng Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khi còn là một cậu bé đã chứng tỏ khả năng tư duy khoa học của mình. Lúc ấy là năm 1949, khi ông mới 11 tuổi, gia đình ông tản cư vào tỉnh Thanh Hóa, và làm thuê cho một gia đình có chiếc máy dệt kim.

Có lần, cậu bé Nguyễn Văn Hiệu khi ấy bị ông chủ sai đi đóng bàn để đặt máy quay và cho tiền để chuyển bàn từ xưởng mộc về xưởng dệt kim. Quan sát thấy xưởng mộc nằm bên sông Nông Giang, ông nghĩ ngay đến chuyện dùng dây thừng buộc bàn rồi nhờ các chú thợ thả xuống sông. Khi bàn nổi lên, ông lựa theo chiều gió, đi sang bờ đối diện, gần tới nơi thì buộc dây thừng vào gốc cây rồi gọi ông chủ cho người khiêng bàn về.

Ông chủ khi ấy thấy cậu bé mới 11 tuổi nhưng sáng dạ nên quyết định truyền nghề cho. Thế là từ một người chỉ chạy việc lặt vặt, ông được học nghề dệt kim. Niềm đam mê với vật lý của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nảy mầm từ đó. Sau này ông mới cho biết: "Quãng đời làm thợ, học nghề trong xưởng dệt kim đã tạo cho tôi tình yêu vật lý. Tôi quyết tâm sau này được học, sẽ theo học vật lý".

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ ngành vật lý học của Việt Nam - 2

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu thời còn trẻ (Ảnh: Wikipedia).

Năm 1953, khi học xong phổ thông, ông quyết định đăng ký thi lên đại học. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông chọn Trường đại học Sư phạm khoa học - vì nghe nói học ngành sư phạm sẽ được cấp học bổng.

Tháng 10/1954, ông nhập học, rồi đúng hai năm sau đã tốt nghiệp vì chính phủ khi ấy quyết định không nghỉ hè. Khi ra trường, ông nhận quyết định phân công công tác được làm trợ giáo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bước ngoặt trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông là vào năm 1958, khi GS. Tạ Quang Bửu (khi ấy là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) giới thiệu với giảng viên các trường đại học về công trình vừa đoạt giải Nobel năm 1957 của hai nhà khoa học Mỹ gốc Trung Quốc là Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo.

Bước ngoặt của "cây đại thụ" trong ngành khoa học Việt Nam

"GS. Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học luôn ham hiểu biết đến kỳ lạ, trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn nhưng thầy vẫn theo dõi các hướng nghiên cứu khoa học mới", GS.VS Nguyễn Văn Hiệu có lần kể lại. "Hôm đó, tôi gặp giáo sư và bày tỏ mong muốn được thầy cung cấp tài liệu vấn đề thầy vừa thuyết trình. Sau khi đọc hết các tài liệu giáo sư cho, tôi quyết định nghiên cứu theo sự hướng dẫn của thầy".

Năm 1960, ông được cử sang làm việc tại Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna thuộc Liên Xô cũ. "Sự nghiệp của tôi phát triển đột biến từ ấy", GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết.

Chỉ hơn 2 năm làm việc tại Dubna, ông công bố 12 công trình về vật lý, bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khi chưa đầy 26 tuổi. Ở tuổi 30, ông được công nhận chức danh Giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomomoxop.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ ngành vật lý học của Việt Nam - 3

Trong suốt 60 năm hoạt động của mình, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực (Nguồn: TTXVN).

Từ năm 1960 đến năm 1963, ông đã nghiên cứu và công bố 12 công trình nghiên cứu về vật lý neutrino. Sau đó Viện nghiên cứu hạt nhân Dupna quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu mới và giao cho ông phụ trách nhóm gồm các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch: Liên Xô, Hungary, Romania và Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của ông, 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến 

Năm 1967 ông hoàn thành tập sách gồm 20 công trình nghiên cứu có tựa đề "Thuyết đối xứng đơn của các hạt cơ bản" và được nhà xuất bản Nguyên Tử in ở Moskva năm 1967 với lời giới thiệu của nhà bác học danh tiếng Bogolubov, viện trưởng Viện Dupna.

Năm 1969, ông trở về Việt Nam và trở thành người có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Vật lý - Viện Khoa học Việt Nam, và là Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam. "Nghĩ lại tôi thấy cuộc đời mình vô cùng may mắn. May mắn của tôi chính là nhờ những người thầy mang đến, nhờ có cách mạng, nhờ có Thủ đô giải phóng đúng lúc tôi cần nghiên cứu khoa học. Tất cả mọi chuyện đều do "thiên thời", ông nhận định.

Theo GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, một trong những điều khiến ông trăn trở lớn nhất là bên cạnh những tài năng được tôn vinh, thì "đất nước ta còn nhiều nhân tài đang ẩn danh, còn nhiều những nhà khoa học hàng chục năm miệt mài trong các phòng thí nghiệm và chỉ thỉnh thoảng mới có một vài người trong số họ được biết đến". Chính bởi vậy, ông đã tham gia vào Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội khuyến học sáng lập, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng chung khảo từ những năm đầu tiên.

"Đây là cuộc thi tôn vinh nhân tài thực sự. Cuộc thi này mở màn cho những cuộc thi tiếp theo được tổ chức hàng năm và nó là cái đích để những nhân tài thực sự vươn tới. Chúng tôi mong muốn những nhân tài thật sự cần cố gắng hơn nữa để được tôn vinh xứng đáng. Nhân tài của Việt Nam phải xứng đáng là nhân tài của cả thế giới", GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khi ấy cho biết.

Thực tế cho thấy sau sự thành công của mùa giải đầu tiên, cuộc thi Nhân tài Đất Việt lập tức gây được tiếng vang lớn và thu hút được nhiều tài năng trong và ngoài nước đăng ký dự thi ở các năm tiếp theo.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ ngành vật lý học của Việt Nam - 4

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tại buổi họp báo phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Khi ấy, ông đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Giám khảo cuộc thi.

Trong suốt 60 năm hoạt động của mình, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Mặc dù đã cao tuổi nhưng ở ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết cho nhiều kế hoạch lớn. Cho đến tận hôm nay, người ta vẫn thấy rằng, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã và đang truyền nhiệt huyết của mình cho một thế hệ các nhà khoa học mới hăng say học tập, nghiên cứu để chiếm lĩnh một lĩnh vực khoa học và công nghệ mới. Đó là khoa học và công nghệ nano.

Theo ông và các nhà khoa học trên thế giới, trong vài thập kỷ tới, ngành khoa học và công nghệ này sẽ tạo ra những chuyển biến lớn lao như những gì mà ngành công nghệ thông tin đã cống hiến cho loài người trong thời gian qua.