1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

GS Vũ Hà Văn: “Toán học Việt Nam chưa tạo ra được trường phái riêng”

(Dân trí) - “Số người nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp nói chung và toán học nói riêng ở Việt Nam là rất ít so với dân số. Toán học Việt Nam có một vài cá nhân có uy tín quốc tế, nhưng chưa tạo ra được trường phái riêng.” - nhận định của GS Vũ Hà Văn.

Sinh ra trong một gia đình mà bố là nhà thơ, mẹ là dược sỹ, Vũ Hà Văn đi theo con đường toán học do tình cờ gặp một người phụ nữ. Khi đang học năm thứ nhất khoa điện trường Đại học Bách khoa Budapest - Hungary, một bà giáo dạy toán phát hiện anh có năng khiếu và đam mê đặc biệt đối với môn học của bà. Sau khi về nhà “tâm sự” chuyện này với chồng - ông Lovász László (sau này là viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Hungary), hai vợ chồng đã quyết định “thuyết phục” Văn sang học khoa Toán trường Đại học Tổng hợp, nơi chính ông László trực tiếp giảng dậy.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Budapest, Vũ Hà Văn tiếp tục làm Tiến sỹ Toán tại Đại học Yale, một trong các trường đại học danh tiếng của Mỹ và con đường nghiên cứu toán học của anh mở ra từ đó.

Mười ba năm sau ngày tốt nghiệp, anh quay về làm giáo sư tại trường. Cùng với người thầy Hungary của mình, năm 2008 anh đã được nhận giải thưởng Polya về những đóng góp mới cho bộ môn Toán học rời rạc (Addictive Combinatorics) và gần đây nhất là giải thưởng Fulkerson của Hiệp Hội Toán học Mỹ. Thường xuyên về Việt Nam giảng bài, sau đây là một vài tâm sự của GS Vũ Hà Văn nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016.

GS Vũ Hà Văn đón Tết Bính Thân tại Hà Nội.
GS Vũ Hà Văn đón Tết Bính Thân tại Hà Nội.

Giáo sư đánh giá thế nào về vị trí của toán học Việt nam trên bản đồ thế giới?

Nền toán học Việt Nam còn rất "trẻ" so với các nền toán học mạnh trên thế giới. Tuy vậy, chúng ta có thể rất tự hào rằng từ năm 1954, chính phủ Việt Nam đã có những đầu tư đáng kể cho tất cả các ngành khoa học nói chung và toán học nói riêng. Các giáo sư đầu ngành của Việt Nam thời bấy giờ như GS Lê Văn Thiêm đã có tiếng tăm trong nền toán học thế giới, sau này thêm vào các giáo sư giỏi được đào tạo cơ bản ở Liên Xô (cũ) như Hoàng Tụy hay Phan Đình Diệu. Sự khởi đầu như vậy còn có phần sớm hơn so với nhiều nước được coi là có nền khoa học phát triển trong khu vực, ví dụ như như Hàn Quốc.

Còn tại thời điểm hiện nay, nếu chỉ tính đóng góp của một nền toán học qua số lượng các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có chỉ số Impact Factor cao (chỉ số về chuyên môn) và số lượng người trích dẫn, sử dụng các công trình đó, thì đóng góp của Toán học Việt Nam còn ở mức độ quá khiêm tốn. Số người nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp nói chung và toán học nói riêng ở Việt Nam là rất ít so với dân số. Toán học Việt Nam có một vài cá nhân có uy tín quốc tế, nhưng chưa tạo ra được trường phái riêng.

Những nhà toán học trẻ và giỏi hiên nay phần lớn được đào tạo tại nước ngoài, chủ yếu là Tây Âu và Mỹ. Như tôi được biết, hàng năm có khoảng 5-10 bạn tốt nghiệp tiến sỹ toán học ở các đại học uy tín trên thế giới. Nếu như nhà nước có kế hoạch trọng dụng họ, hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ có một đội ngũ đáng kể.

Theo giáo sư, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học toán có những ưu điểm và hạn chế gì so với sinh viên nước ngoài khác?

Tại Mỹ, tôi hướng dẫn tiến sĩ cho nhiều sinh viên khác trong đó có sinh viên Việt Nam. Đó là một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức, suy tư, nhưng bù lại thành công của các bạn trẻ làm tôi thấy vui như thành công của chính mình vậy

Về mặt bằng chung, tôi thấy trí thông minh và quyết tâm học của các bạn trẻ Việt Nam không thua kém sinh viên của bất kỳ nước nào khác. Tôi biết giáo dục Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm khiếm khuyết, nhưng nếu bạn trẻ nào có may mắn được gặp thầy tốt, được đào tạo cơ bản khi ra nước ngoài có cơ hội tiến rất xa.

Duy có một kỹ năng tôi nhận thấy thiếu ở sinh viên Việt Nam là kỹ năng trình bày, nói cụ thể là thuyết trình. Một phần do rào cản ngôn ngữ, một phần có lẽ do ảnh hưởng văn hoá nên các em chưa đủ tự tin.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, học tập tại châu Âu và làm việc tại Mỹ đã hơn hai mươi năm, giáo sư có ý định quay về Việt Nam cống hiến cho Tổ quốc không?

Tôi nghĩ mình thuộc vào tuýp người “hoài cổ”, rất gắn bó với những mối quan hệ, những chuyện từ xa xưa. Càng sống xa nhà lâu, những kỷ niệm từ thời niên thiếu càng mạnh mẽ trong tôi. Từ nhiều năm, tôi về giảng bài ở Việt Nam rất thường xuyên. Cũng có thể một lúc nào đó tôi sẽ chuyển về Việt Nam sống, chưa biết được. Nhưng có lẽ, đó sẽ là một quyết định mang tính cá nhân.

Ngành toán học (xác suất và toán rời rạc) mà tôi theo đuổi mang tính ứng dụng rất mạnh. Hiện tại vai trò của nó trong phát triển kỹ nghệ ở Mỹ rất lớn, nhất là trong công nghệ tin học. Hy vọng một lúc nào đó những kiến thức đó cũng sẽ hữu dụng tại Việt Nam.

Được biết Tết Bính Thân này về Việt Nam, giáo sư cũng có tham gia giảng dạy tại Viện Toán học cao cấp. Chủ đề của khóa học lần này là gì vậy, thưa ông?

Bài toán “Hôn nhân bền vững” yêu cầu tìm một cách ghép bền vững giữa các phần tử của hai tập hợp theo thứ tự ưu tiên của mỗi phần tử. Một cặp ghép là một ánh xạ từ các phần tử của tập hợp này tới các phần tử của tập hợp kia. Đây cũng là một thí dụ rất cụ thể của áp dụng toán học trong đời sống. Giải pháp lịch lãm của Gale-Shapley đã đưa mang đến cho Shapley giải Nobel về kinh tế năm 2012.

Năm nay tôi cảm thấy rất vui khi những ngày đầu xuân được chia xẻ những kiến thức này tại Viện Toán học cao cấp với các bạn trẻ ham học hỏi. Ngày đầu năm mới mà các bạn chiụ đi nghe thuyết trình là ham học lắm rồi. Các cơ quan nhà nước phần lớn từ rằm tháng Giêng trở ra mới bắt đầu hoạt động thực sự. Đặc biệt có cả các chuyên gia của Bộ Giáo dục tới tham khảo về khả năng áp dụng phương pháp này vào chu trình tuyển sinh đại học, một ý tưởng mới và tiến bộ.

Vũ Hà Văn cùng em trai Vũ Thanh Điềm trên Nhật Tân cách đây 25 năm (Vũ Thanh Điềm hiện làm cho Google tại Mỹ).
Vũ Hà Văn cùng em trai Vũ Thanh Điềm trên Nhật Tân cách đây 25 năm (Vũ Thanh Điềm hiện làm cho Google tại Mỹ).

Giáo sư có thể chia sẻ thêm một ký ức về Tết với các bạn đọc?

Tôi rời Hà Nội năm 1987, đến nay gần 30 năm. Từ đó được ăn Tết ở Hà Nội bốn lần. Lần đầu tiên cách đây 25 năm, về phép sau 3 năm đi học ở Hungary. Hồi đó đi còn phải xin phép đại sứ quán, bay qua Nga, phải dừng mấy chặng, nhiêu khê lắm. Em Điềm có anh trai về, nhiều kẹo sô cô la, thích chí nhảy nhót. Cả nhà lên Hồ Tây và Nhật Tân chụp ảnh. Quang cảnh cả hai nơi ấy bây giờ không còn như ngày đó nữa. Gia đình tôi khi đó ở khu tập thể Bách Khoa, dắt xe máy lên cầu thang khá mệt. Giao thừa vẫn còn được đốt pháo, cả thành phố chìm trong làn khói. Ngày mùng một các cô chú lên chúc Tết, cả nhà ngồi dưới đất ăn cỗ. Đơn sơ nhưng mà vui. Vả lại còn trẻ thì ăn gì cũng ngon.

Xin cám ơn giáo sư và chúc giáo sư năm mới đạt được mọi điều như ý.

Đặng Hà Anh