Giáo sư Việt Nam được trao Huy chương Dirac năm 2018

(Dân trí) - GS. Đàm Thanh Sơn (Việt Nam) cùng 2 nhà vật lý lý thuyết khác vừa được Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế trao Huy chương Dirac vì những đóng góp độc lập của họ đối với quá trình tìm hiểu các cơ chế vật lý và giới thiệu các kỹ thuật liên ngành.

Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) vừa công bố 3 nhà vật lý được trao Huy chương Dirac 2018, gồm: Đàm Thanh Sơn (sinh ra ở Hà Nội, Việt Nam, hiện công tác tại Đại Chicago, Mỹ), Subir Sachdev (sinh ở New Delhi, Ấn Độ, hiện công tác tai Đại học Harvard, Mỹ) và Xiao-Gang Wen (sinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hiện công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ).

Theo ICTP, cả 3 nhà khoa học đều nghiên cứu cách cơ học lượng tử ảnh hưởng đến các nhóm hạt lớn, gọi là hệ nhiều vật (many-body systems).

Trên trang web ICTP công bố 3 nhà vật lý được trao Huy chương Dirac 2018.
Trên trang web ICTP công bố 3 nhà vật lý được trao Huy chương Dirac 2018.

Các nhà nghiên cứu hiện tại mới chỉ hiểu quy luật ảnh hưởng của cơ học lượng tử đối với các nhóm hạt rất nhỏ, trong khi những vật thể hàng ngày được tạo nên từ một nhóm hạt lớn gần 1023. Tất cả các hạt đều tương tác với nhau theo nhiều cách khác nhau.

Nghiên cứu điều này giúp cho các nhà khoa học hiểu cách cách thuộc tính của vật chất thay đổi, giúp cho quá trình thiết kế tạo nên những loại vật liệu mới, có thể ứng dụng đa dạng từ máy tính lượng tử đến các thiết bị siêu dẫn.

Những người chiến thắng Direc năm 2018 đã có những đóng góp tiên phong quan trọng để hiểu được các giai đoạn mới của vật chất, bên cạnh các giai đoạn quen thuộc là rắn, lỏng và khí, cũng như quá trình chuyển tiếp giữa các giai đoạn đó.

GS. Đàm Thanh Sơn là cựu học sinh khối chuyên toán - tin, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông từng đoạt huy chương vàng tại Olympic toán quốc tế năm 1984 tổ chức ở Praha (Cộng hòa Czech) khi mới 15 tuổi và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Tổng hợp Moskva (Liên Xô) năm 25 tuổi.

Đầu năm 2005, 3 nhà vật lý Đàm Thanh Sơn, P. K. Kovtun và A. O. Starinets (nhóm KSS) đã công bố một công trình về độ nhớt của lỗ đen theo thuyết trường lượng tử tương tác mạnh trên tạp chí Physical Review Letters (một trong những tạp chí vật lý uy tín nhất trên thế giới hiện nay). Bài báo đã đưa ra mô hình lỗ đen lỏng trong không gian lý thuyết 10 chiều.

Từ năm 1994 - 2008, GS. Đàm Thanh Sơn là tác giả và đồng tác giả của 92 bài báo, bản báo cáo trong đó có tới 14 bài trên Physical Review Letters và nhiều công trình trên các tạp chí uy tín khác của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society) như Physical Review D, Physical Review B, Physical Review B.

GS. Đàm Thanh Sơn (ngồi đầu từ phải qua) trong buổi giao lưu với những học sinh ưu tú nhất Việt Nam từng đạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế tại TP Quy Nhơn (Bình Định) mới đây.
GS. Đàm Thanh Sơn (ngồi đầu từ phải qua) trong buổi giao lưu với những học sinh ưu tú nhất Việt Nam từng đạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế tại TP Quy Nhơn (Bình Định) mới đây.

Từ tháng 9/2012, Đàm Thanh Sơn là giáo sư tại Đại học Chicago. Ông nghiên cứu về vật lý lý thuyết, chủ yếu là vật lý hạt cơ bản, vật lý hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết dây. Năm 2014, ông trở thành thành viên của Viện hàn lâm khoa học và Nghệ thuật Mỹ, cũng năm này ông được bầu là thành viên Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Huy chương Dirac được thành lập nhằm tôn vinh Paul Adrien Maurice Dirac (P.A.M. Dirac), một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Giải thưởng được trao hàng năm vào ngày 8/8, sinh nhật của Dirac, cho các nhà khoa học có đóng góp nổi bật với vật lý lý thuyết. Lần đầu tiên giải này được trao là năm 1985. Các huy chương cũng nhận được một giải thưởng trị giá 5.000 đô la Mỹ.

Huy chương Dirac không được trao cho những người đoạt giải Nobel, huy chương Fields, hoặc người đoạt giải Wolf Foundation. Tuy nhiên, nhiều người nhận huy chương Dirac sau đó đã nhận được giải Nobel.

Doãn Công