Giải thích hiện tượng ma

Yếu tố tâm lý sợ hãi, sóng hạ âm, điện từ trường, chất độc và ảo giác quang học là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến con người nhìn thấy những hình ảnh ma không có thực.

Thuật ngữ “ma” thường được dùng để ám chỉ linh hồn của con người hoặc động vật đã chết có khả năng tác động đến thế giới vật chất. Khái niệm “ma ám” có thể bao gồm bất kỳ điều gì, từ việc cảm giác một người đã chết hiện diện bên cạnh, trông thấy vật thể di chuyển hoặc linh hồn đang cử động. Neil Dagnall, phó giáo sư về tâm lý học nhận thức ứng dụng tại Đại học Manchester Metropolitan (Anh) đưa ra những lý giải khoa học phổ biến nhất về nguyên nhân con người nhìn thấy ma và các hiện tượng siêu nhiên khác – mặc dù nhiều hiện tượng đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Yếu tố tâm lý

Một số lời giải thích về hiện tượng con người nhìn thấy ma thường dựa trên các yếu tố tâm lý, chẳng hạn như ám thị. Do đó, việc nghe kể về một nơi có ma khiến chúng ta dễ nhìn thấy ma ở địa điểm đó hơn, Dagnall cho biết.

Trong một nghiên cứu, những người tham gia đến thăm 5 khu vực chính của một nhà hát trước khi điền vào bảng khảo sát để đánh giá cảm xúc và nhận thức của họ. Trước chuyến đi, một nhóm tình nguyện viên được kể nhà hát bị ma ám, trong khi nhóm còn lại được thông báo nhà hát đang trong thời kỳ sửa chữa, nâng cấp. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên khi nhóm tình nguyện viên đầu tiên có nhiều trải nghiệm mãnh liệt hơn về các hiện tượng huyền bí.

Mức độ tác động của việc nghe kể cũng thay đổi, phụ thuộc vào niềm tin của mỗi người. Những người có xu hướng tin vào các hiện tượng huyền bí dễ bị ảnh hưởng hơn những người hoài nghi về sự tồn tại của ma quỷ.


Khoảng 22% số người Mỹ nói rằng họ từng nhìn thấy hoặc cảm thấy sự hiện diện của ma. Nguồn: Annette Shaff.

Khoảng 22% số người Mỹ nói rằng họ từng nhìn thấy hoặc cảm thấy sự hiện diện của ma. Nguồn: Annette Shaff.

Sóng hạ âm và điện từ trường

Theo Dagnall, một lời giải thích khác về nguyên nhân gây ra hiện tượng ma là do các yếu tố môi trường tác động đến con người, chẳng hạn như sóng hạ âm và điện từ trường. Michael Persinger - nhà thần kinh học người Canada - đã chứng minh được rằng, việc làm thay đổi trường điện từ liên tục xung quanh thùy thái dương (temporal lobe) của não có thể tạo ra những trải nghiệm ám ảnh, chẳng hạn như cảm thấy sự hiện diện của bóng ma, thần linh hoặc cảm giác bị ai đó chạm vào. Một số địa điểm ma ám trên thế giới, chẳng hạn như cung điện Hampton Court (Anh), là nơi có từ trường không ổn định.

Tương tự như vậy, sóng hạ âm cũng giúp giải thích hiện tượng nhìn thấy ma. Con người nghe được âm thanh trong khoảng tần số từ 20 đến 20.000 Hz. Những tiếng ồn có tần số nhỏ hơn 20 Hz được gọi là sóng hạ âm. Nó hình thành từ các cơn bão, gió, thậm chí trong nhiều thiết bị hằng ngày.Chúng ta không thể nghe thấy sóng hạ âm mà chỉ có thể cảm nhận được chúng dưới dạng các hình thức rung động. Khi sóng hạ âm có tần số gần bằng tần số cộng hưởng của nhãn cầu mắt người (khoảng 20Hz), nó sẽ làm nhãn cầu rung lên, khiến con người nhìn thấy hình ảnh ma không có thật.

Có nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa sóng hạ âm và cảm giác kỳ lạ. Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học phát sóng hạ âm trong buổi trình diễn nhạc. Khán giả sau đó được yêu cầu mô tả lại phản ứng khi nghe nhạc. Nhiều người báo cáo có trải nghiệm bất thường khi nghe sóng hạ âm như ớn lạnh sống lưng, cảm thấy lo lắng, sợ hãi, khó chịu hoặc buồn phiền. “Các nhà làm phim Hollywood biết đến điều này từ những năm 1950. Đó là lý do bạn thường được nghe những âm thanh có tần số thấp trong nhạc phim kinh dị”, nhà nghiên cứu Loyd Auerbach, tác giả một số cuốn sách về chủ đề ma, cho biết.

Sóng hạ âm được cho là nguyên nhân tạo nên nhiều địa điểm huyền bí, ma quái. Những cơn gió mạnh thổi vào các bức tường trong tòa tháp cổ tạo ra sóng hạ âm – loại sóng có thể xuyên qua những bức tường dày nhất. Khi sống ở những nơi như thế, con người thường nghe thấy tiếng gió gào thét dọc hành lang hoặc tiếng bước chân rùng rợn trong ngôi nhà.

Ảo giác tạo ra bởi chất độc

Dagnall cho biết, nhận thức về các hiện tượng siêu nhiên cũng có thể phát sinh do tác động của chất độc, chẳng hạn như carbon monoxide (CO), formaldehyde và thuốc trừ sâu. Năm 1921, bác sĩ nhãn khoa William Wilmer xuất bản một bài báo kỳ lạ trong tạp chí nhãn khoa Mỹ. Bài báo kể câu chuyện về một gia đình và ngôi nhà ma ám của họ. Những người sống trong ngôi nhà bị ám ảnh bởi những âm thanh đóng sầm cửa, đồ đạc di chuyển lung tung và tiếng bước chân trong phòng trống, những cây họ trồng trong nhà chết dần. Sau này họ phát hiện ra lò sưởi bị hỏng, thay vì khói được đưa ra ngoài ống khói thì nó bay vào trong nhà. Vì vậy, gia đình họ bị nhiễm độc khí CO.

CO là một chất khí không mùi, không màu và rất khó phát hiện. Nó rất nguy hiểm bởi vì các tế bào hồng cầu con người hấp thụ CO dễ dàng hơn oxy, việc thiếu oxy lâu dài sẽ dẫn tới các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, lú lẫn và cuối cùng là chết. Người nhiễm độc CO thường có những trải nghiệm ảo giác, giống như đang nhìn thấy bóng ma.

Ngoài ra, ảo giác gây ra bởi nấm mốc độc hại cũng có thể kích thích nhận thức liên quan đến ma quỷ. Shane Rogers và các nhà nghiên cứu tại Đại học Clarkson (Mỹ) quan sát thấy nhiều điểm tương đồng giữa trải nghiệm huyền bí và các hiệu ứng ảo giác gây ra bởi bào tử nấm. Điều này có thể giải thích tại sao việc nhìn thấy ma thường xảy ra ở các tòa nhà cũ kỹ, ẩm mốc, có độ lưu thông không khí kém.

Một số giả thuyết khác

Trong trường hợp một người tuyên bố nhìn thấy bóng ma nhưng không phải do yếu tố tâm lý hoặc năng lượng phát ra, “hồn ma” có thể đơn giản chỉ là ảo ảnh quang học. Phổ biến nhất, đó là một nguồn ánh sáng mờ bị phản chiếu ở cửa sổ hoặc bề mặt phản xạ khác.

Ngoài ra,hồn ma cũng có thể là kết quả của hiện tượng tâm lý pareidolia. Theo đó, bộ não khiến chúng ta nhìn hình ảnh của các vật thể tự nhiên như đám mây, hòn đá thành các vật thể quen thuộc như mặt người. “Những trường hợp nhìn thấy ma luôn là kết quả của hiện tượng tự nhiên bị hiểu sai. Con người rất dễ mắc lỗi quan sát và nhận thức”, Dante Centuori, chuyên gia làm việc tại Trung tâm Khoa học Great Lakes (Mỹ), cho biết.

Theo Khoa học&Phát triển