Giải mã bí ẩn hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru

(Dân trí) - Một bức ảnh đen trắng mờ nhạt từ vài chục năm trước là manh mối duy nhất mà ông Johny Isla có được khi ông lần theo dấu vết một con quái vật biển.

Giải mã bí ẩn hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru - 1

Ông Johny Isla, trưởng đoàn khảo cổ học nghiên cứu các hình vẽ ở Nazca và Palpa, Bộ Văn hóa Peru.

Ông Johny Isla là nhà khảo cổ học ở Bộ Văn hóa Peru, nhiều năm nay ông phụ trách công tác nghiên cứu về các hình vẽ khổng lồ kỳ lạ vẽ người và các con thú, trên cao nguyên Nazca.

Ông Isla đã chú ý đến hình ảnh này vào một lần tham dự cuộc triển lãm ở Đức năm 2014 về các hình vẽ ở Nazca, những hình vẽ khổng lồ và khó hiểu trên sa mạc, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến thăm quan.

Bức ảnh được chụp từ đầu những năm 70 là hình vẽ thần cá voi sát thủ bí hiểm được khắc trên một sườn đồi khô cằn. Hình vẽ này ông nhìn thấy lần đầu tiên nhưng nó có một số đặc điểm giống với những hình vẽ khác mà ông từng biết. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu lưu trữ trước khi trở về Peru cùng với một thiết bị là chiếc máy bay không người lái và rồi dành cả đời khảo sát thực địa ở đây để tìm ra nơi có hình vẽ đó.

Sau một vài lần khởi sự thất bại, đến một lần ông Isla chỉ mất 2 tuần để tìm ra hình khắc này có kích thước 25 x 65 mét ẩn dấu ở một nơi bằng phẳng trên đồi Palpa, khoảng 48 km về phía Bắc Nazca, trên một sa mạc rộng lớn ở miền Nam Peru.

Hình vẽ này được khắc trên sườn đồi mô tả một con quái vật thần thoại đáng sợ, trông giống một con cá voi sát thủ nhưng có hai cánh tay người giữ lấy một cái đầu ma quái ở giữa và vài cái đầu khác bên trong cơ thể.

Thiết bị bay không người lái đã phát hiện ra hàng trăm hình vẽ tương tự khắc trên vùng sa mạc này và có tuổi đời khoảng 1.500 năm. Các nhà khảo cổ học tin rằng các hình khắc cá voi sát thủ lai người chính là sợi dây kết nối hàng trăm hình vẽ geolyph cổ xưa với những hình khắc axit trên sa mạc của nền văn hóa Nazca.

Giải mã bí ẩn hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru - 2

Hình vẽ này có tên “La Orca”, được tìm thấy ở Palpa.

Những hình nhỏ nhất được khắc trên sườn đồi gần Palpa từ thời văn hóa Paracas và Topara vào khoảng từ năm 500 trước Công nguyên đến 200 sau Công nguyên. Ông Isla cho biết hình cá voi sát thủ này được khắc vào thời gian bùng nổ dân số, đó là thời kỳ xã hội chuyển đổi từ hình thái này sang hình thái khác. Những hình vẽ ở Nazca là đỉnh cao của quá trình thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật từ những hình vẽ cổ xưa hơn. 

Những hình vẽ này có niên đại 200 đến 700 sau Công nguyên và năm 1994 đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (Unesco) công nhận là di sản thế giới.

Hơn một nghìn hình vẽ như vậy dưới dạng hình học khổng lồ và mô phỏng động vật như khỉ, chim ruồi và cá voi, được khắc đầy trên một diện tích hơn 400 km2 trên cao nguyên Nazca. Chúng được tạo ra bằng cách lấy đi lớp đá cuội trên cùng để lộ ra lớp vật liệu bên dưới có màu sáng hơn.

Tuy nhiên, hình khắc mới được tìm thấy trên sườn đồi lại là một điểm vô cùng khác biệt. Ông Luis Jaime Castillo, cựu Bộ trưởng Văn hóa Peru, nhà khảo cổ học cùng làm việc với ông Isla, cho biết trái ngược với các hình vẽ Nazca, những hình này được khắc trên sườn đồi có nghĩa là mọi người có thể nhìn thấy khi họ đứng ở thung lũng bên dưới, nơi mà cuộc sống và hoạt động nông nghiệp diễn ra.

Nếu những hình vẽ Nazca được con người tạo ra để nói về các vị thần thì những hình vẽ trên sườn đồi ở Palpa là nói về con người. Có thể thấy rất rõ đây là những hình ảnh mô tả những nhân vật đặc biệt đang phân chia lãnh thổ. Trong khi đó, các hình vẽ lớn hơn và phức tạp hơn ở Nazca thì không thể quan sát được khi đứng trên mặt đất.

Theo ông Isla, nghiên cứu mới nhất này cho thấy hình vẽ Nazca được tạo ra với mục đích cầu xin các vị thần ban mưa và chất màu cho vùng sa mạc cằn cỗi này. Nhưng các nhà khảo cổ học vẫn đang tìm hiểu quá trình chuyển đổi giữa nghệ thuật vẽ hình người khổng lồ của nền văn hóa Paracas để cho mọi người đều nhìn thấy được sang những hình vẽ mang tính biểu tượng của nền văn hóa Nazca.

Ông Castillo cho rằng khi cộng đồng phát triển và dân số tăng lên, những hình vẽ to lớn hơn  có thể chỉ dành riêng cho tầng lớp thượng lưu và có địa vị mang tính tâm linh. Khi đó là lúc chuyển đổi từ những hình vẽ do người dân tạo ra sang các hình vẽ có ý đồ, thiết kế của một tổ chức gần như là nhà nước.

Trên một sườn đồi có hình một chiến binh đội mũ biểu tượng và tay cầm quyền trượng hoặc ngọn giáo đứng gần một người phụ nữ. Giữa hai người là một nhân vật thần thoại có vô số tua là những con rắn vây quanh. Hình tượng này được coi là biểu trưng của sự màu mỡ.

Đứng trên mặt đất rất khó quan sát được những hình vẽ này. Nhưng máy quay của thiết bị bay ghi nhận được toàn bộ hình vẽ. Nhờ đó ông Castillo đã lập bản đồ được khoảng 100.000 điểm khảo cổ ở Peru, trong số này mới chỉ có một số rất ít nơi được khai quật.

Thiết bị bay này không chỉ tìm ra các hình khắc trên đất mà còn chụp được hàng nghìn bức ảnh để các nhà khảo cổ học có thể nghiên cứu kỹ hơn trên máy tính. Những hình ảnh này chi tiết đến mức họ có thể nhìn rõ từng hòn đá có kích thước 2 cm. Quá trình nghiên cứu này được gọi là quang trắc và kết quả là những tấm bản đồ không gian 3 chiều rất chi tiết của những khu vực rộng lớn ở Nazca và Palpa.

Theo ông Castillo, đăng ký và tham chiếu địa lý cho những hình khắc trên đất này là cách tốt nhất để bảo vệ chúng khỏi bị xóa sổ để lấy đất làm nông nghiệp hoặc mở rộng đô thị. Nhưng chỉ một số ít những địa điểm này được công khai cho mọi người đều biết để đề phòng trường hợp những hình vẽ này trở thành mục tiêu phá hoại. Rất nhiều sườn đồi bị đường cao tốc liên Mỹ cắt ngang đến nay đã đầy những hình khắc mới từ các nhãn hiệu phân bón cho đến hình vẽ graffiti.

Unesco đã công nhận những hình vẽ khắc trên đất ở Nazca và Palpa là những hình khắc axit độc đáo nhất thế giới. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hàng trăm hình khắc như thế và họ cho rằng tới đây sẽ còn tìm thấy nhiều hình hơn nữa, những hình vẽ đã được đăng ký với cơ quan chuyên môn mới chỉ chiếm 5% số lượng hình vẽ có ở hai khu vực này.

Phạm Hường 

Theo Theguardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm