Dữ liệu vệ tinh quan sát Trái Đất Việt Nam cho phép người dùng khai thác miễn phí
(Dân trí) - Ngày 6/3, tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Giới thiệu hệ thống Chia sẻ Dữ liệu vệ tinh Vietnam Data Cube”. Tại hội thảo, VNSC cho biết, dữ liệu vệ tinh quan sát Trái Đất Việt Nam - Vietnam Data Cube sẽ cho phép người dùng khai thác miễn phí.
Hệ thống Vietnam Data Cube được phát triển nhằm đem tới cho người dùng dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất Việt Nam một cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh cũng như công cụ khai thác miễn phí có khả năng: Giảm thiểu thời gian và kiến thức chuyên môn cần thiết để sử dụng dữ liệu vệ tinh; Phân tích chuỗi thời gian hiệu quả để hỗ trợ các ứng dụng thay đổi lớp phủ, rừng, hiện trạng sử dụng đất; Sử dụng nhiều bộ dữ liệu vệ tinh với nhau; Hỗ trợ khách hàng và hỗ trợ người dùng Việt Nam...
Đồng thời, Vietnam Data Cube cũng hướng tới tầm nhìn là nâng cao năng lực của người dùng để ứng dụng dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất tại Việt Nam, qua đó đóng góp vào các chương trình ưu tiên toàn cầu, như các chương trình trong Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UN-SDG) và các Thỏa thuận Paris và Sendai.
Theo PGS. TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc VNSC, Ủy ban các vệ tinh quan sát trái đất (CEOS) là một đối tác sáng lập trong sáng kiến Data Cube nhằm tìm ra giải pháp kiến trúc dữ liệu có giá trị cho người sử dụng toàn cầu và tăng cường vai trò của dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất. Mục tiêu của DataCube là cung cấp công cụ khai thác mở và miễn phí, và thúc đẩy cộng đồng phát triển, duy trì các ứng dụng cả về chiều rộng và chiều sâu.
PGS. TS Phan Văn Kiệm – Phó Chủ tịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết thêm, là thành viên chính thức của CEOS từ năm 2013, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các cơ quan vũ trụ các nước trên Thế giới để phát triển Vietnam Data Cube.
Cụ thể, hệ thống Vietnam Data Cube được hình thành và phát triển dựa trên sự hội nhập và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với các đối tác chính là Australia (CSIRO - Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung), Hoa Kỳ (USGS – Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Công ty IMSG), Nhật Bản (JAXA – Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản), Pháp (CNES – Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp).
Cũng theo PGS Kiệm, hiện nay, dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất đã và đang được sử dụng không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong thực tế phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững cho thấy các ứng dụng của dữ liệu vệ tinh có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng về môi trường, kinh tế và xã hội ở cấp độ địa phương, khu vực và trên toàn cầu. Thực tế cho thấy, các thế hệ vệ tinh quan sát trái đất mới đang cung cấp lượng dữ liệu ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và như vậy đối với nhiều ứng dụng, thách thức không còn nằm ở việc thiếu dữ liệu mà là việc làm sao kết nối được giữa dữ liệu, ứng dụng và người dùng. Thậm chí, hiện nay nhiều dữ liệu vệ tinh vẫn chưa được khai thác cho dù đã có các trang thiết bị phân tích và tính toán hiện đại. Các thách thức về quản lý và phân tích dữ liệu do sự gia tăng rất lớn khối lượng dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí có thể được khắc phục bằng cơ sở hạ tầng máy tính mới, công nghệ và kiến trúc dữ liệu như "Data Cube". Các thiết bị tính toán, công nghệ và cấu trúc dữ liệu mới, như Data Cube, có thể giúp việc quản lý và phân tích dữ liệu đương đầu với những thách thức nảy sinh từ khối lượng dữ liệu mở và miễn phí khổng lồ.
Vietnam Data Cube sẽ sớm được hoàn thành để cung cấp miễn phí cho người dùng khai thác.
Một giải pháp như Data Cube hoàn toàn có thể giúp các nhà cung cấp hợp lý hóa việc phân phối và quản lý dữ liệu, đồng thời làm giảm bớt các rào cản về mặt kỹ thuật cho người dùng, hơn nữa cũng làm giảm bớt nhiều chi phí so với các phương pháp truyền thống, giúp người dùng khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu vệ tinh.
Nhờ có sự hỗ trợ của công ty IMSG (Hoa Kỳ), một hệ thống máy chủ hiện đại có khả năng lưu trữ lên tới 200 TB đã được thiết lập tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Cùng với đó, hệ thống phần mềm DataCube được CSIRO (Australia) cung cấp. Trong giai đoạn đầu, Vietnam Data Cube tập hợp dữ liệu vệ tinh LandSat (Hoa Kỳ), Sentinel (Cộng đồng Châu Âu), ALOS (Nhật Bản) cho toàn bộ lãnh thổ và phát triển các ứng dụng cho Việt Nam là theo dõi rừng, theo dõi lúa và theo dõi mặt nước.
PGS. TS Phạm Anh Tuấn bày tỏ, thông qua một cơ sở dữ liệu vệ tinh miễn phí cùng công cụ khai thác mở, hệ thống Vietnam Data Cube sẽ góp phần tạo ra nhiều ứng dụng sâu và rộng hơn nữa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội của không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các quốc gia trong khu vực. Do đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh từ các thành viên của CEOS và sự hợp tác của các tổ chức trong khu vực để mở rộng hệ thống Vietnam Data Cube thành hệ thống Mekong Data Cube cho các nước tiểu vùng sông Mekong nhằm phát triển các ứng dụng phục vụ các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo giới thiệu về DataCube và các ứng dụng cụ thể tại các quốc gia trên Thế giới; Giới thiệu về Vietnam DataCube với công tác phục vụ giám sát rừng, lúa và nước; Nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám vệ tinh cho lưu vực sông Mê Kông cũng như Nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám vệ tinh tại Viện điều tra quy hoạch rừng (FIPI)…
Các báo cáo của đại biểu quốc tế và các chia sẻ của đại biểu Việt Nam đều khẳng định hệ thống Vietnam DataCube sẽ không chỉ là một địa chỉ tin cậy chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí cho người sử dụng Việt Nam mà còn là một công cụ hữu dụng với khả năng phân tích mạnh, giúp thực hiện các ứng dụng ảnh vệ tinh ở Việt Nam được dễ dàng hơn.
Được biết, tham gia Hội thảo này có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Ủy hội sông Mekong, các trường đại học cùng đông đảo các chuyên gia đến từ các Cơ quan Hàng không vũ trụ trên thế giới như Australia, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản.
Nguyễn Hùng