1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Động vật có biết khóc?

Minh Khôi

(Dân trí) - Động vật có thực sự khóc khi chúng cảm thấy buồn chán, hay đây là đặc trưng của riêng con người?

Động vật có biết khóc? - 1

Bạn có lẽ không quá xa lạ với hình ảnh một con vật nuôi như chó hay mèo dường như đang "rưng rưng" nước mắt, và nghĩ rằng có thể chúng đang che giấu nỗi buồn ẩn sâu bên trong.

Tuy nhiên trên thực tế, liệu có phải động vật thực sự biết khóc, hay nói cách khác là chúng đang thể hiện cảm xúc buồn bã bằng giọt nước mắt hay không?

Chỉ con người mới "nhỏ lệ" khi xúc động?

Từng có nhiều người tin vào cảm xúc của động vật, khi khóc dường như chính là cách mà chúng thể hiện nỗi buồn. Một trong những nhà khoa học đại tài là Charles Darwin - cha đẻ của thuyết tiến hóa, cũng tin vào điều tương tự.

Tuy nhiên, các nhà sinh vật học hiện đại lại đưa quan điểm trái ngược với Darwin. Họ cho rằng dẫu tất cả các loài động vật trên cạn đều có khả năng tiết nước từ tuyến lệ, nhưng mục đích chính của phản xạ này chỉ là để giữ ẩm, bôi trơn và làm sạch mắt.

Động vật có biết khóc? - 2

Ad Vingerhoets - một giáo sư tâm lý học người Hà Lan, cho rằng quan niệm động vật biết khóc là hoàn toàn sai lầm. Theo ông, chỉ con người là loài động vật duy nhất biết thể hiện cảm xúc bằng nước mắt.

Còn Bryan Amaral, một quản lý cấp cao của Vườn thú Quốc gia Smithsonian (Mỹ) khẳng định hình ảnh động vật "khóc" mà chúng ta thường nhầm tưởng thực ra là cơ chế để chúng bôi trơn giác mạc. Tuy nhiên khi một con vật tiết ra quá nhiều nước mắt, có khả năng nó đã bị nhiễm trùng ở bộ phận này, hoặc giác mạc của chúng bị xước vì một lý do nào đó.

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta có thể phân biệt nước mắt thành 3 loại. Một là nước mắt cơ bản, dùng để làm ẩm và bảo vệ giác mạc. Loại thứ 2 tiết ra với khối lượng lớn hơn, khi mắt bị kích ứng bởi ánh sáng, hơi cay, hoặc trong một điều kiện đặc biệt.

Loại thứ 3, cũng là loại mà chỉ duy nhất con người sở hữu, đó là nước mắt tiết ra khi chúng ta xúc động. Đây được coi là một trong những đặc trưng duy nhất của loài người bên cạnh ý thức, trí tuệ và khả năng sáng tạo.

Nếu không khóc, động vật thể hiện nỗi buồn thế nào?

Động vật có biết khóc? - 3

Mặc dù không thể "khóc" theo một cách đúng nghĩa, nhưng đa số động vật bậc cao cũng có cơ chế thay đổi hoạt động não tương ứng với các phản ứng kích thích như tình yêu, nỗi sợ, nỗi buồn hoặc cảm giác tội lỗi.

Những phản ứng này có thể nhận thấy rõ đối với các họ thuộc bộ linh trưởng, hay ở một số vật nuôi như chó, mèo... Dễ thấy nhất là khi chúng có những thay đổi trong tập tính thường ngày, trở nên chán nản, uể oải, chán ăn, cụp tai hoặc đuôi, trở nên hung dữ, sợ sệt...

Tuy nhiên, những cảm xúc này thường chỉ là thoáng qua hoặc kéo dài trong thời gian ngắn. Nếu như kéo dài, rất có thể động vật bị mắc một chứng bệnh nào đó thay vì chỉ là dấu hiệu của cảm xúc thông thường.

Ngoài ra, cũng bởi kích thước khá nhỏ của các loài động vật so với não người, nên chúng không thể làm được một số việc mà con người có thể làm để thể hiện cảm xúc rõ rệt.