Điều gì sẽ xảy ra nếu đám cháy thiêu rụi toàn bộ rừng Amazon?
(Dân trí) - Nếu còn đang bàng quan hay vẫn nghĩ rằng, những vụ cháy rừng ở cách xa hơn 17 ngàn cây số chỉ là chuyện của châu Mỹ và không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bản thân, thì bài viết này sẽ buộc bạn phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình.
“Cháy rừng Amazon” chính là vấn đề môi trường nóng nhất trong những ngày vừa qua. Tính từ đầu tháng 8 năm 2019 đến nay đã có ít nhất 74.155 vụ cháy rừng, và ở thời điểm hiện tại vẫn có tới 2500 điểm cháy đang ngày đêm thiêu đốt dần cánh rừng mưa lớn nhất thế giới.
Nếu còn đang bàng quan hay vẫn nghĩ rằng, những vụ cháy rừng ở cách xa hơn 17 ngàn cây số chỉ là chuyện của châu Mỹ và không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bản thân, thì bài viết này sẽ buộc bạn phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình.
Với diện tích lên đến 6,7 triệu km vuông, rừng Amazon được ví như là lá phổi xanh của thế giới, khi đang ngày đêm tạo ra đến 20% lượng Oxy cho Trái Đất. Bên cạnh đó, cánh rừng này cũng chính là bảo tàng thiên nhiên vĩ đại nhất, nơi đang là nhà của 30% số loài sinh vật của hành tinh!
Sự bùng phát của một số lượng chưa từng có trong lịch sử các vụ cháy rừng, trong thời gian gần đây ở Amazon đang được xem là mối đe dọa lớn nhất đến sự tồn tại của cánh rừng này. Tuy nhiên, ở một góc nhìn bao quát, những vụ cháy này thực sự chỉ là một phần của những vấn đề to lớn hơn nhiều, bởi hàng năm có đến hơn 22 ngàn km vuông rừng biến mất, chủ yếu do nạn chặt phá rừng để phục vụ cho các mục đích của con người. Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu không có gì thay đổi thì sau 20 năm nữa, cánh rừng này sẽ mất đi khoảng 40% diện tích.
Cũng có thể không cần đến 20 năm, bởi hiện tại lửa ở rừng Amazon vẫn đang cháy và cứ mỗi phút, rừng mưa này lại bị thiêu rụi một diện tích tương đương với 1,5 sân bóng đá tiêu chuẩn. Hãy thử đặt ra một giả thiết (hoàn toàn có thể xảy ra) rằng: Chính phủ các nước không tìm ra một tiếng nói chung để giải quyết thảm họa Amazon và đám cháy trở nên mất kiểm soát, để cuối cùng thiêu rụi toàn bộ khu rừng này.
Vậy điều tồi tệ nào thực sự sẽ xảy đến khi cái tên Amazon hoàn toàn biến mất khỏi hành tinh xanh?
Các vấn đề về khí quyển
Như đã đề cập, rừng Amazon hiện sản xuất 20% lượng Oxy của Trái Đất. Chính vì vậy, việc Amazon mất đi cũng đồng nghĩa với việc thế giới không còn nguồn cung Oxy khổng lồ này. Dẫu vậy, đây không thực sự là điều đáng ngại, bởi chúng ta vẫn còn đủ lượng Oxy phục vụ cho việc hô hấp đến từ những cánh rừng khác, đặc biệt là các loại thực vật phù du dưới nước.
Thảm họa lớn nhất về phương diện khí quyển, trong trường hợp này thật ra lại đến từ lượng khí thải mà rừng Amazon đã giúp con người hấp thụ và lưu trữ (khoảng 86 tỷ tấn Carbon). Khi rừng bị cháy, lượng thán khí tích tụ qua nhiều năm này sẽ bị trả lại cho môi trường. Trước mắt, nó làm suy giảm chất lượng không khí, mà biểu hiện rõ nhất là sự tăng lên về các bệnh liên quan đến đường hô hấp của những người dân ở khu vực lân cận và rồi lan rộng ra toàn thế giới.
Tiếp theo, lượng khí nhà kính cũng sẽ khiến Trái Đất ấm lên nhanh hơn, từ đó làm trầm trọng thêm vấn nạn biến đổi khí hậu, vốn vẫn đang gây ra những tác động ghê gớm đến toàn thế giới. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, loài người sẽ chính thức thua cuộc, mọi cố gắng giải pháp sẽ trở nên vô nghĩa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nếu lượng Carbon này quay trở lại bầu khí quyển.
Sự tổn thất về đa dạng sinh học
Mất đi Amazon cũng chính là sự mất mát to lớn đối với đa dạng sinh học của Trái Đất! Khi hệ sinh thái khổng lồ này bị tận diệt, con người sẽ mất một nguồn cung khổng lồ về thực phẩm và đặc biệt là dược phẩm. Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, ¼ các loại thuốc Tây y có nguồn gốc nguyên liệu từ Amazon, trong đó có nhiều loại thuốc dùng để chữa trị căn bệnh ung thư. Thậm chí, các nhà khoa học còn tiết lộ rằng, chúng ta chỉ mới khám phá được tiềm năng dược liệu của 5% số lượng loài thực vật có trong cánh rừng này!
Thảm họa hạn hán ở quy mô toàn cầu
Hạn hán là một vấn đề nghiêm trong nữa mà chúng ta không thể không nhắc đến, nếu rừng Amazon bị thiêu rụi. Cùng nhớ lại một vài kiến thức sinh học thời phổ thông: Cây xanh hút nước từ rễ, sử dụng một ít và trả lại phần lớn cho môi trường thông qua lá. Lượng hơi nước này sau khi thoát khỏi lá sẽ bay lên không để tạo mây mưa, hình thành nên vòng tuần hoàn của nước.
Theo ước tính, nếu rừng mưa Amazon không còn cây, tổng lượng mưa toàn cầu sẽ giảm đến 20%. Nếu đã và đang là nạn nhân của đợt hạn hán kéo dài vừa qua trên toàn quốc, chắc chắn bạn sẽ hiểu được con số 20% này lớn và có tác động mạnh mẽ đến mỗi chúng ta như thế nào!
Hy vọng nào cho rừng Amazon?
Rừng Amazon vẫn đang cháy nhưng không có nghĩa là con người hoàn toàn mất hết hy vọng trong việc kiểm soát ngọn lửa. Là mỗi công dân của địa cầu, việc thiết thực nhất mà chúng ta cần làm lúc này là góp tiếng nói kêu gọi toàn thế giới chung sức xử lý thảm họa Amazon. Bên cạnh đó, hãy tạo cho mình thói quen sống xanh, giảm lượng giấy sử dụng thường ngày, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, hay sản phẩm có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo!
Minh Nhật