1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Đến 2020, Trung Quốc hoàn thiện hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu

Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ cung cấp dịch vụ cho người sử dụng trên toàn thế giới.


Tên lửa Trường Chinh-3B mang theo vệ tinh Bắc Đẩu rời bệ phóng năm 2015. Ảnh: THX/TTXVN

Tên lửa Trường Chinh-3B mang theo vệ tinh Bắc Đẩu rời bệ phóng năm 2015. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Đài phát thanh Sputnik, Trung Quốc sẽ đưa từ 6 đến 8 vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo vào nửa cuối năm nay, nâng số vệ tinh thuộc hệ thống Bắc Đẩu hoạt động trong vũ trụ năm 2018 lên 18 chiếc. Hệ thống này sẽ cung cấp dịch vụ cơ bản cho các nước tham gia “Một vành đai, Một con đường”. Thông tin trên được Wang Li – Chủ tịch Ủy ban Hệ thống Định vị Vệ tinh Trung Quốc phát biểu tại hội nghị tổ chức ngày 23/5.

Theo ông Ran Chengqi – Giám đốc Văn phòng Quản lí Hệ thống Định vị Vệ tinh Trung Quốc, hệ thống BDS-1 và BDS-2, được xây dựng năm 2000 và 2012, cung cấp dịch vụ liên lạc cho Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. BDS là hệ thống vệ tinh dẫn đường do Trung Quốc tự phát triển, có thể tương thích với các hệ thống vệ tinh dẫn đường khác như GPS (Mỹ), Glonass (Nga), Galileo (châu Âu)… Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống định vị vệ tinh từ năm 2000, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ.

Trong năm 2016, giá trị thị trường dịch vụ định vị vệ tinh của Trung Quốc đạt 210 tỷ nhân dân tệ (tương đương 30,5 tỉ USD), trong đó hệ thống Bắc Đẩu đóng góp hơn 30% tổng số. Các chuyên gia dự đoán đến 2020, giá trị thị trường này sẽ đạt gấp đôi, lên tới 400 tỷ nhân dân tệ.

Sách Trắng công bố tháng 12/2016 của Chính phủ Trung Quốc khẳng định nước này hy vọng sẽ mở rộng tới tất cả mọi khách hàng với những dịch vụ chính xác và đáng tin cậy hơn dựa trên các hệ thống mặt đất và vệ tinh tốt hơn vào năm 2020.

Theo Hồng Hạnh/Báo Tin Tức