Đại học Quốc gia Hà Nội hướng đến chuẩn hóa và kết nối dữ liệu khoa học
(Dân trí) - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa cho ra mắt bản thử nghiệm Hệ thống quản lý đề tài trực tuyến (gọi tắt là VNU-OMS) nhằm tiên phong trong việc chuẩn hóa dữ liệu khoa học và hướng đến những kết nối mở.
Tiến sĩ (TS) Phạm Đức Anh – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà nội (ĐHQGHN) chia sẻ, chủ trương xây dựng phần mềm VNU-OMS tại địa chỉ https://oms.vnu.edu.vn nằm trong kế hoạch tổng thể của ĐHQGHN về xây dựng kiến trúc đại học số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản trị, điều hành. Việc này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong bối cảnh hiện nay.
Ứng dụng phần mềm trong hoạt động quản lý khoa học và công nghệ cho phép lược bỏ được những thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm thiểu chi phí xã hội, đồng thời mang đến những thuận tiện và hiệu quả trong quản trị, điều hành, ...
TS Phạm Đức Anh cũng cho rằng, việc thay đổi phương thức quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ từ cách truyền thống sang online là xu thế tất yếu và rất cần thiết hiện nay. Một số trường đại học và nhiều tổ chức khoa học và công nghệ ở Việt Nam đã thực hiện phương thức này. Đối với ĐHQGHN, việc triển khai phương thức quản lý online ban đầu có thể gây ra những trở ngại nhất định, cho cả những người làm công tác quản lý và nhà khoa học, chủ yếu là do thói quen.
“Tất cả sẽ sớm quen với VNU-OMS và nhận thấy hiệu quả rõ rệt của phương thức quản lý này. VNU-OMS cho phép các nhà khoa học có thể đăng kí đề tài của ĐHQGHN trực tuyến và đơn giản”, TS Phạm Anh Đức nói.
PGS.TS Lê Sỹ Vinh - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, một trong các đồng tác giả của phần mềm này khẳng định, hệ thống VNU-OMS của ĐHQGHN được xây dựng dựa trên nền tảng của hệ thống OMS của Quỹ Nafosted. Vì thế, các nhà khoa học đã tham gia các đề tài của Quỹ này đã sử dụng quen thuộc, không có gì khó khăn. Các quỹ khoa học và công nghệ của nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hệ thống quản lý kiểu này.
Là nhà khoa học đã có nhiều công bố quốc tế, PGS.TS Lê Sỹ Vinh nhận định, VNU–OMS là một bước tiến rất tốt về chuyển đổi số và quản lý khoa học công nghệ của ĐHQGHN. Hệ thống giúp giảm tải giấy tờ, minh bạch trong đăng kí và nộp hồ sơ, giảm thiểu thụ tục hành chính. Điều đặc biệt quan trọng là VNU - OMS hướng đến tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học.
Để đăng kí chủ trì hoặc tham gia một đề tài của ĐHQGHN, nhà khoa học cần tiến hành các bước chính sau: Đăng kí tài khoản trên hệ thống; Khai lý lịch khoa học; Đăng kí đề tài; Nộp các báo cáo (giữa kì, cuối kì) khi đề tài được phê duyệt.
Bên cạnh đó, hệ thống VNU-OMS cũng cho phép các nhà khoa học tham gia phản biện các đề tài một cách đơn giản và trực tuyến.
Bên cạnh việc chuẩn hóa dữ liệu khoa học thì VNU-OMS còn hướng đến sự đồng bộ, lưu giữ, tra cứu và kết nối dữ liệu trong và ngoài ĐHQGHN.
“Hiện tại, các nhà khoa học đã khai báo trường thông tin khoa học công nghệ ở các phần mềm khác nhau nhưng việc kết nối còn bỏ ngỏ, khiến các thông tin còn rời rạc, chưa có tính hệ thống. Cùng với những hoạch định chung của ĐHQGHN về công nghệ thông tin, với những tiện ích mà VNU-OMS mang lại, nhà khoa học sẽ “nhàn” hơn về thủ tục hành chính, chuyên tâm vào nghiên cứu”, lãnh đạo ĐHQGHN thông tin.
Ngọc Diệp