1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cuộc chiến sống còn tay ba giữa trăn, lửng mật, chó rừng và cái kết khó ngờ

T.Thủy

(Dân trí) - Cuộc chiến sống còn giữa một con lửng mật và trăn đá châu Phi đã bất ngờ bị kẻ thứ 3 chen ngang, đó là một con chó rừng, đến một cuộc chiến tay ba…

Một du khách đã ghi lại trong chuyến ghé thăm Vườn Quốc gia Chobe (Botswana) cuộc chiến sống còn đầy gay cấn giữa một con lửng mật và trăn đá châu Phi đang diễn ra.

Đoạn clip cho thấy trăn đá châu Phi đang sử dụng sức mạnh để quấn chặt con mồi, còn lửng mật tìm mọi cách để thoát ra nhưng bất thành. Tưởng chừng như trăn đá đã có được một bữa ăn ngon lành, thì một "vị khách không mời" đã bất ngờ xuất hiện.

Cuộc chiến sống còn tay ba giữa trăn, lửng mật, chó rừng và cái kết khó ngờ (Video: Carters).

Một con chó rừng lưng đen ở gần đó đã chạy đến để can thiệp vào giữa cuộc chiến và bất ngờ tấn công con trăn đá. Mải đối phó với chó rừng, trăn đá đã phải nới lỏng vòng siết của mình, tạo cơ hội để lửng mật có thể vùng dậy và thoát ra.

Từ chỗ kẻ đi săn, trăn đá bất ngờ thay đổi vị thế trở thành con mồi, khi chó rừng và lửng mật đã có màn "hợp tác" để cùng tấn công và giết chết con trăn.

Bị tấn công bất ngờ từ cả 2 phía, trăn đá châu Phi đã không thể trụ được lâu và sớm thiệt mạng.

Đáng chú ý, sau khi hạ gục con trăn, thay vì cùng chia nhau "chiến lợi phẩm", lửng mật và chó rừng lưng đen đã có màn kéo co để giành giật bữa ăn về phía mình. Cuối cùng, nhờ vào sự lì đòn, lửng mật đã giành được xác của con trăn về phần mình.

Từ chỗ kẻ bị săn, lửng mật bất ngờ lật ngược tình thế, trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến tay ba và có được một bữa ăn ngon lành.

Trăn đá châu Phi là loài rất hung dữ, sẵn sàng tấn công và ăn thịt cả những động vật lớn hơn cơ thể của nó như linh dương hay cá sấu… Trăn đá châu Phi thậm chí còn tấn công cả con người và đã ghi nhận trường hợp loài trăn này ăn thịt những đứa trẻ. Một số bộ tộc tại các quốc gia châu Phi đã gọi trăn đá châu Phi là "loài trăn ăn thịt người".

Chó rừng lưng đen là loài chó rừng có kích thước nhỏ nhất và được xem là thành viên cổ xưa nhất của chi chó. Dù có kích thước nhỏ, đây lại là loài chó rừng hung hăng nhất và sẵn sàng tấn công những loài vật khác có kích thước lớn và nặng hơn chúng nhiều lần. Đây cũng là loài động vật ăn thịt "cơ hội", luôn tìm cách cướp con mồi của những loài động vật ăn thịt khác.

Trong khi đó, lửng mật là loài động vật ăn thịt trong họ chồn. Đây là loài động vật có thể thích nghi với các môi trường sống khác nhau rất nhanh nhờ vào khả năng săn mồi tốt.

Lửng mật sở hữu lớp da dày và tính cách hung hăng, sẵn sàng đối đầu với những loài động vật săn mồi hung dữ trên thảo nguyên như sư tử, báo hoa mai hay linh cẩu… Dù vậy, đôi khi lửng mật cũng bị sư tử hay linh cẩu đánh bại và ăn thịt.

Ngoài lớp da dày, lửng mật còn có khả năng kháng nọc của rắn độc. Khi bị rắn độc cắn, lửng mật sẽ bất tỉnh trong một khoảng thời gian trước khi tỉnh dậy như không hề có chuyện gì xảy ra.

Thức ăn của lửng mật là côn trùng, ếch, rắn, chim, các loài động vật gặm nhấm… Khi ăn thịt, lửng mật sẽ ăn tất cả các bộ phận của con mồi, bao gồm cả da, lông và xương.

Lửng mật thường tấn công tổ ong để ăn mật và ấu trùng ong, đây chính là nguồn gốc cái tên của loài này. Ngoài ra, lửng mật còn ăn các loại quả mọng, rễ cây và củ…

Theo Carters/CTW