Cùng khám phá những thông tin thú vị về loài chuột
(Dân trí) - Loài chuột lớn nhất thế giới có thể dài đến gần 1 mét; tai chuột có khả năng nghe được âm thanh siêu âm; chuột mẹ đôi khi ăn thịt chính đứa con mà mình vừa sinh ra… Cùng khám phá thêm nhiều thông tin thú vị khác về loài gặm nhấm này trong bài viết dưới đây!
Nếu là một người sợ chuột, rất có thể bạn sẽ ngất xỉu khi phải chạm trán một chú chuột Bosavi ngoài đời thực, bởi đây chính là đại diện khổng lồ nhất của loài động vật gặm nhấm này. Được biết, chuột Bosavi chỉ vừa được phát hiện vào năm 2009 tại một vùng núi hẻo lánh ở Papua New Guinea. Theo thống kê, ở độ tuổi trưởng thành, kích thước của một chú chuột Bosavi có thể vượt quá 81 cm chiều dài (bao gồm cả đuôi) và nặng khoảng 1,5 kg. Về đặc điểm ngoại hình, chuột Bosavi khá giống với họ hàng của chúng ở các thành phố là loài chuột Cống. Tuy nhiên, chuột Bosavi còn sở hữu thêm một lớp lông màu nâu, để thích nghi với điều kiện sống ẩm và lạnh, tại các miệng núi lửa đã tắt.
Cận cảnh loài chuột lớn nhất thế giới.
Điều khiến chuột trở nên thực sự đáng sợ đối với cuộc sống của con người, không phải thói quen gặm nhấm tất cả đồ đạc, mà chính là khả năng sinh sản “khủng khiếp” của chúng. Theo đó, loài chuột sẽ có thể thụ thai khi chỉ mới 5 tuần tuổi. Mỗi lứa, chuột có thể đẻ 6-20 con non. Điều đáng nói là cứ mỗi 3 tuần, một con chuột có thể mang thai và sinh đẻ tiếp một lứa. Chỉ với chừng đấy dữ kiện, chắc hẳn chúng ta cũng đã có thể nhẩm tính được rằng, số lượng chuột sẽ trở nên khổng lồ thế nào, nếu không bị con người tìm cách kiểm soát và tiêu diệt.
Giai đoạn từ năm 1347 đến năm 1351 có lẽ là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử châu Âu. Vào thời điểm này, những con chuột, ở trên các thuyền buôn, đã mang theo loài bọ chét chứa vi khuẩn Yersinia pestis (gây bệnh dịch hạch) gieo rắc “Cái chết đen” lên toàn bộ lục địa. Được biết, cho đến khi có thể dập tắt đại dịch, đã có khoảng 25 triệu người (chiếm ¼ dân số châu Âu thời điểm đó) phải bỏ mạng.
Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng, tại sao ngay cả những đồ vật không thể ăn được trong nhà như: bê tông, gỗ, dây điện… cũng thường xuyên bị chuột cắn phá? Thực chất, câu trả lời cho bí ẩn này nằm ở hàm răng của chuột. Cũng như các loài gặm nhấm khác, chuột sở hữu cho mình bộ răng cửa lớn và sắc. Điều đặc biệt là, những chiếc răng này sẽ liên tục dài ra mà không có một giới hạn hay điểm dừng nào cả. Do đó, để bộ răng cửa không quá dài đến mức vướng víu hay thậm chí là đâm thủng hộp sọ, loài chuột luôn phải mài mòn răng của chúng vào các vật cứng.
Khi vừa mới đẻ ra, một con chuột sơ sinh sẽ chưa thể mở mắt và bị mù hoàn toàn. Thậm chí, đến lúc trưởng thành, chuột vẫn bị mù màu và chỉ có thể nhìn thế giới qua 2 gam màu đen-trắng. Theo các nhà khoa học, sở dĩ chuột sở hữu khả năng thị giác kém chính là do tập tính sinh hoạt của chúng. Cụ thể, thời gian kiếm ăn của chuột hầu như luôn là vào ban đêm và ở thời điểm này một đôi tai thính, một chiếc mũi nhạy sẽ cần thiết hơn là đôi mắt sáng.
Đổi lại đôi mắt kém tinh tường, chuột sở hữu cho mình một năng lực thính giác trên cả tuyệt vời. Điều đặc biệt ở chỗ đôi tai của loài gặm nhấm này có thể nghe được âm thanh siêu âm (Loại âm thanh có tần số cao mà tai người không nghe thấy). Đi cùng với đó, chuột cũng có thể phát ra thứ âm thanh “không tiếng ồn” này. Chính vì vậy, những con chuột hoàn toàn có thể liên lạc với nhau mà không hề bị chúng ta phát hiện.
Việc mẹ ăn thịt chính con non của mình xuất hiện ở không ít các loài động vật, trong đó có cả chuột. Giải thích rõ hơn về tập tính “man rợ” này, giới chuyên gia cho biết, khi vừa sinh xong, nếu cảm thấy nguồn thực phẩm không đủ để chăm sóc tất cả con non, chuột mẹ sẽ chọn ra đứa con yếu nhất hoặc bị dị tật để ăn thịt, nhằm tăng cơ hội sống cho các cá thể sơ sinh khỏe mạnh còn lại.
Thảo Vy
Theo Britanica