Công trình lĩnh vực Môi trường giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2019

(Dân trí) - Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của Giáo sư, tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi đã xuất sắc nhận giải Nhất lĩnh vực môi trường, giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019”.

Giáo sư, tiến sỹ Đặng Thị Kim Chi chia sẻ về Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam”, đã xuất sắc nhận giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019” về lĩnh vực Môi trường.

Công trình lĩnh vực Môi trường giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2019 - 1

GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhận Giải nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 ở lĩnh vực Môi trường. 

Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam” là thành quả của 16 năm nghiên cứu về môi trường làng nghề!

Tình cờ được tiếp cận một đề tài về đánh giá hiện trạng môi trường của ba loại hình làng nghề Việt Nam ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Tây vào năm 1999, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi nhận thấy rằng, vấn đề môi trường của một loại hình sản xuất rất đặc trưng của Việt Nam này lại đang bị bỏ ngỏ. Xuất phát từ suy nghĩ đó, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi quyết tâm đi sâu vào nghiên cứu và thực tiễn về môi trường ở các làng nghề. Càng tìm hiểu, bà lại càng nhận thấy được nhiều điểm đặc biệt của làng nghề Việt Nam, cũng như càng nhận thức được sự cấp thiết của việc giải bài toán về môi trường ở loại hình sản xuất này.

Công trình lĩnh vực Môi trường giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2019 - 2

GS.TS. Đặng Thị Kim Chi là một trong những chuyên gia đầu tiên về lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

 “Một trong những điều khiến tôi băn khoăn nhất chính là việc các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm ngay trong khu dân cư, nên gây tác động trực tiếp đến những người dân vừa sinh sống vừa sản xuất tại đây. Nhận thức được trách nhiệm của mình về một vấn đề môi trường đang rất nóng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực này, tôi đã quyết định đi sâu vào lĩnh vực môi trường các làng nghề Việt Nam” - GS.TS. Đặng Thị Kim Chi chia sẻ câu chuyện bén duyên với môi trường làng nghề Việt.

Công trình lĩnh vực Môi trường giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2019 - 3

GS.TS. Đặng Thị Kim Chi bén duyên với lĩnh vực môi trường làng nghề từ lần tình cờ được tiếp cận một đề tài về đánh giá hiện trạng môi trường của ba loại hình làng nghề Việt Nam ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Tây vào năm 1999.

Trong giai đoạn 1999-2013, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi đã thực hiện, với vai trò là chủ nhiệm đề tài, tổng cộng 14 đề tài nghiên cứu khoa học xoay quanh vấn đề môi trường làng nghề, đặc biệt trong đó có một đề tài cấp Nhà nước. Kết quả thu nhận được từ những đề tài này chính là căn cứ quan trọng, để GS.TS. Đặng Thị Kim Chi xây dựng Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam".

Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam” và những giá trị thực tiễn to lớn cho môi trường làng nghề nước ta

Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của GS.TS. Đặng Thị Kim Chi bao gồm:

-Bộ 3 sách chuyên khảo “Làng nghề Việt Nam và Môi trường”, tập 1,2,3: Tập trung điều tra khảo sát sơ bộ hiện trạng kinh tế-xã hội các làng nghề Việt Nam, mức độ ô nhiễm, các tác động tới môi trường; nhận dạng các tồn tại, ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề Việt Nam, dự báo xu hướng phát triển, mức độ ô nhiễm tại các làng nghề; đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, định hướng một số dự án bảo vệ môi trường tại địa phương; kết quả xây dựng mô hình quản lý môi trường , áp dụng sản xuất sạch hơn cũng như triển khai các mô hình xử lý chất thải tại một số làng nghề điển hình.

Công trình lĩnh vực Môi trường giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2019 - 4

Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của GS.TS. Đặng Thị Kim Chi được xây dựng từ kết quả của 14 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh, do chính tác giả làm chủ nhiệm đề tài.

-Bộ 7 tài liệu hướng dẫn cải thiện môi trường các làng nghề: Tài liệu hướng dẫn áp dụng các giải pháp cải thiện Môi trường cho 7 loại hình làng nghề khác nhau về quá trình sản xuất và sản phẩm đặc trưng (làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; dệt nhuộm; sản xuất vật liệu xây dựng; tái chế giấy; tái chế nhựa; tái chế kim loại). Mỗi tài liệu hướng dẫn đều có giới thiệu chung về quy trình sản xuất; các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đặc thù như: Giải pháp sản xuất sạch hơn; công nghệ xử lý chất thải phù hợp với điều kiện sản xuất làng nghề; các giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hướng dẫn quan trắc môi trường làng nghề.

-Bộ 7 mô hình công trình xử lý chất thải cho cơ sở sản xuất tại một số loại hình làng nghề: Các mô hình áp dụng các công nghệ xử lý chất thải ô nhiễm phát sinh phù hợp với đặc điểm của ngành sản xuất, đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường hiện hành, đơn giản, dễ vận hành, dễ chuyển giao, vốn đầu tư và chi phí vận hành thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề, ưu tiên những công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải.

Công trình lĩnh vực Môi trường giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2019 - 5

Sau nhiều năm đi sâu vào lĩnh vực môi trường làng nghề, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi đúc rút được rằng, đánh giá chất lượng môi trường làng nghề phải phụ thuộc vào đặc thù công nghệ sản xuất và sản phẩm của làng nghề đó.

“Việc đánh giá chất lượng môi trường làng nghề phải phụ thuộc vào đặc thù công nghệ sản xuất và sản phẩm của làng nghề đó. Ví dụ, làng nghề dệt nhuộm thì đặc thù của nó là nước thải có chứa màu nhuộm, khí thải do dùng than nấu nhuộm vải; làng nghề chế biến thực phẩm thì đặc trưng là nước thải của quá trình chế biến tinh bột như sắn, bún, bánh phở và giết mổ chăn nuôi gắn liền với nhau; làng nghề tái chế thì ô nhiễm nặng về nước thải và kèm theo chất thải rắn sinh ra. Sự phân loại này cũng chính là định hướng để tôi xây dựng các nội dung trong công trình nghiên cứu khoa học "Môi trường các làng nghề Việt Nam” - GS.TS. Đặng Thị Kim Chi chia sẻ.

Được biết, sau khi được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành, 3 bộ sách chuyên khảo và 7 bộ tài liệu hướng dẫn đã được phân phối về tất cả các địa phương, để làm cơ sở xây dựng chính sách cũng như chương trình tuyên truyền giáo dục đối với bảo vệ môi trường ở làng nghề; hướng dẫn phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề thông qua các chính sách quản lý, các công nghệ sản xuất sạch hơn, ứng dụng thiết bị hiện đại, giải pháp giảm thiểu chất thải.

Trong những năm qua, Các sản phẩm của Bộ công trình “Môi trường các làng nghề Việt Nam” đã được phổ biến và đón nhận ở nhiều địa phương có làng nghề giúp định hướng và triển khai các giải pháp tổng hợp trong quản lý Môi trường, từ đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân sống trong khu vực, giảm xung đột môi trường, góp phần phát triển bền vững cho các làng nghề.

Vẫn còn đó nỗi băn khoăn về môi trường làng nghề Việt Nam

Dù các cống hiến cho lĩnh vực môi trường làng nghề, đặc biệt là Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của GS.TS. Đặng Thị Kim Chi đã đem lại nhiều giá trị thực tiễn to lớn, nhưng nhà khoa học đã dành phần lớn sự nghiệp của mình cho môi trường làng nghề Việt Nam vẫn còn nhiều mối băn khoăn. Vị giáo sư đã ở tuổi “Cổ lai hy” chia sẻ: “Các giải pháp mà tôi đưa ra dù đạt được những giá trị thực tiễn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các mô hình dù hiệu quả đến đâu nhưng để áp dụng vẫn còn nhiều yếu tố như sự chặt chẽ của pháp luật, sự đấu tranh giữa các hộ sản xuất và các hộ không sản xuất nhưng sống bên cạnh. Thiết nghĩ cần có các tổ chức sống ngay trong làng nghề tự phổ biến về vấn đề bảo vệ môi trường, bởi sẽ hiệu quả hơn hẳn khi vấn đề này được tác động từ bên ngoài vào. Nếu không có sự quyết liệt của chính quyền và sự ủng hộ của bà con thì rất khó đi vào thành công.” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi bộc bạch nỗi băn khoăn.

Công trình lĩnh vực Môi trường giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2019 - 6

"Thiết nghĩ cần có các tổ chức sống ngay trong làng nghề tự phổ biến về vấn đề bảo vệ môi trường, bởi sẽ hiệu quả hơn hẳn khi vấn đề này được tác động từ bên ngoài vào." - GS.TS. Đặng Thị Kim Chi.

Một nỗi băn khoăn khác của vị giáo sư này chính là thực trạng việc áp dụng giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề chưa tiến bộ nhanh bằng tốc độ phát triển về quy mô sản xuất của làng nghề. GS.TS Đặng Thị Kim Chi giải thích thêm: “Trong những năm qua, các làng nghề đã phát triển nhanh chóng, nhiều làng nghề hướng tới cơ khí hóa, tự động hóa, nhiều hộ gia đình làng nghề đã hình thành các các xí nghiệp sản xuất quy mô lớn nhưng cùng với đó vấn đề môi trường tăng lên rất nhiều. Tại một số nơi xuất hiện xung đột về môi trường làng nghề, như xả nước thải ra dòng sông, xả khí thải còn lan sang những làng không có làng nghề.”

Bài: Minh Nhật

Ảnh -Video: Trọng Trinh