Công nghệ tuabin mới hứa hẹn gây đột phá trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Công ty Na Uy chuẩn bị thử nghiệm loại tuabin gió ngoài khơi mới, nó nổi trên mặt biển và được gắn trên một trục thẳng đứng quay theo hướng ngược nhau.

Công nghệ tuabin mới hứa hẹn gây đột phá trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - 1
Tuabin gió nổi trên mặt biển, quay ngược chiều nhau chuẩn bị được thử nghiệm (Ảnh: Futura Science).

Theo nhà sản xuất, với công nghệ này, có thể tạo ra những tuabin gió có công suất lớn với chi phí thấp và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Thế giới đang đối mặt với nhiều ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Trong bối cảnh này, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đang là một trong những ưu tiên hàng đầu từ các quốc gia với ngày càng nhiều công nghệ mới được phát triển.

Mới đây, công ty World Wide Wind (WWW) của Na Uy vừa tuyên bố bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu đầu tiên của tuabin gió nổi quay ngược chiều, công suất lên tới 40 megawatt, gấp đôi tua bin gió lớn nhất hiện nay.

Không giống như các tuabin gió thông thường sử dụng cánh quạt quay quanh trục ngang, WWW là trục thẳng đứng (VAWT). 

Thiết kế của nó khá khác thường, sử dụng hai tuabin, mỗi tuabin có ba cánh quay ngược chiều nhau. Tuabin ở phía trên được nối với roto, trong khi tuabin phía dưới được nối với roto, công nghệ mới này giúp tăng gấp đôi công suất so với các loại tuabin gió hiện nay ở cùng tốc độ quay.

Thương mại vào năm 2030

Các cánh quạt tuabin được đặt ở góc 45 độ so với trục thẳng đứng, giúp giảm tốc độ đầu cánh, đồng thời cho phép các tuabin được lắp đặt gần nhau hơn. 

Chúng cũng sẽ làm giảm tác động môi trường, đặc biệt đối với hệ động vật địa phương. Máy phát điện đặt ở phía dưới nước, giống như hệ thống đối trọng giúp tuabin không bị nằm hoặc bị lật dưới tác dụng của gió.

Thiết kế đơn giản này sẽ giảm chi phí sản xuất và công ty hy vọng sẽ đạt được chi phí quy dẫn (LCOE), chi phí trọn đời của một nhà máy điện, chia cho lượng điện dự kiến sẽ tạo ra trong suốt vòng đời, là 50 USD/MWh (1MWh=1.000KWh).

Nguyên mẫu đầu tiên này có chiều cao 19 mét và được sản xuất giới hạn ở công suất 30 kilowatt. Tuy nhiên, đây là thử nghiệm toàn diện đầu tiên. 

WWW có kế hoạch thử nghiệm nguyên mẫu thứ hai, lớn hơn có khả năng tạo ra 1,5 megawatt vào năm 2025 và hy vọng sẽ đưa ra thị trường loại 24 megawatt vào năm 2030.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm