Con người đã tác động đến Trái Đất hàng nghìn năm trước

(Dân trí) - Xã hội săn bắt – hái lượm cũng như việc canh tác, trồng trọt từ thuở xưa đã dần dần làm thay đổi Trái Đất cách đây hàng nghìn năm, rất lâu trước khi có sự xuất hiện của khí nhà kính và những hiệu ứng khác do con người hiện đại gây nên cùng với những tác động tiêu cực của nó.

Đầu năm nay, các nhà khoa học cho rằng “the Anthropocene” (một thuật ngữ khoa học dùng để miêu tả một giai đoạn trong lịch sử Trái Đất khi những hoạt động của loài người bắt đầu có những ảnh hưởng toàn cầu đến khí hậu và hệ sinh thái của Trái Đất) được bắt đầu vào năm 1950.

Nhưng định nghĩa về “hoạt động của loài người” và những ảnh hưởng của nó vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học. Một số cho rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp chính là sự khởi đầu cho những ảnh hưởng mang tính vĩ mô đối với “hành tinh xanh” và môi trường.

Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn cầu mới đây được công bố trên báo “Khoa học” đã tập hợp những thông tin, chứng cứ và cho thấy rằng loài người đã thay đổi một cách đáng kể đất đai, từ đó, góp phần vào sự thay đổi của Trái Đất, cách đây 10,000 năm. Đặc biệt, việc canh tác, trồng trọt đã có những ảnh hưởng rõ rệt đối với đất đai từ 3,000 năm trước.

Bằng việc sử dụng khảo sát online để thu thập thông tin từ các chuyên gia tại hơn 146 địa điểm trên toàn cầu, hơn 250 nhà khảo cổ học đến từ khắp nơi trên thế giới đã phân tích việc canh tác, sử dụng đất của con người từ 10,000 năm trước cho đến sau cuộc Cách mạng Công nghiệp vào năm 1850.

Định nghĩa về “sử dụng đất” bao quát các hoạt động săn bắt, hái lượm lẫn canh tác, trồng trọt và cả việc chăn nuôi.

Con người đã tác động đến Trái Đất hàng nghìn năm trước - 1
Sự thay đổi mà con người tác động lên các sườn núi, phục vụ cho việc trồng lúa ở Ubud, Bali.

“Khoảng 12,000 năm trước, con người chủ yếu chỉ đơn thuần là kiếm ăn, đồng nghĩa với việc sự tác động của họ đối với Trái Đất không mạnh mẽ bằng những nông dân canh tác bây giờ” Gary Feinman, tác giả của nghiên cứu và Mac Arthur, người phụ trách mảng Nhân loại học tại Bảo tàng Field (Chicago, Mỹ) cho rằng, “Và bây giờ chúng ta được biết rằng trở lại 3,000 năm trước đây, con người đã thực sự tiến hành những cuộc khai hoang, xâm lấn tự nhiên ở rất nhiều nơi trên thế giới”.

Để canh tác đất đai, phải phá rừng để trồng trọt. Thuần hóa và chăn nuôi động vật theo bầy đàn cũng cần đất khai hoang. Tuy nhiên, điều góp phần làm biến đổi đất đai không phải là tốc độ diễn ra của những hoạt động này mà là phạm vi diễn ra của chúng.

Ryan Williams - đồng tác giả của dự án nghiên cứu và cũng chuyên trách về mảng Nhân loại học tại Bảo tàng Field chia sẻ “Trong khi môi trường sống của chúng ta biến đổi với tốc độ ngày càng nhanh, thì bây gờ chúng ta đang chứng kiến những ảnh hưởng xuất phát từ những tác động của con người lên Trái Đất cách đây hàng nghìn năm”

Hiểu được cách mà nền văn minh cổ đại tác động lên hành tinh này giúp cho các nhà nghiên cứu tìm ra được những giải pháp để ngăn chặn vấn đề khan hiếm nước sạch cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của việc phá rừng.

Con người đã tác động đến Trái Đất hàng nghìn năm trước - 2
Việc chăn thả gia súc theo mùa vẫn diễn ra ở các vùng cao nguyên ở Italia, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới

Andrea Kay, người đứng đầu nghiên cứu cho rằng “Trong khi tốc độ và phạm vi của sự biến đổi toàn cầu hiện nay lớn hơn rất nhiều so với trong quá khứ, những thay đổi tích lũy dần dần qua một thời kỳ lịch sử dài gây nên bởi con người trong quá khứ là rất đáng kể, hơn là nhiều người nghĩ”.

Gary Feinman, tác giả nghiên cứu, cho rằng “Nghiên cứu đã cung cấp cho ta một sự kiểm chứng rằng, đúng vậy, việc canh tác đất đai của chung ta thời nay diễn ra với tốc độ ngày một tăng, tuy nhiên, con người đã làm điều này cách đây hàng nghìn năm rồi”, “Điều đó cho thấy rằng, vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại là có nguyên nhân sâu xa”.

Thay đổi khí hậu và môi trường diễn ra ngày càng nhanh với phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng. Những nghiên cứu như thế này đã đặt nền móng cho việc hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề cũng như cách để giảm nhẹ mức độ của những thay đổi tiêu cực này.

Tống Trần Hiến

Theo CNN