1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Con người có khả năng tái tạo các bộ phận cơ thể "chưa được khai thác"?

Trang Phạm

(Dân trí) - Điều gì sẽ xảy ra nếu con người thực sự có thể tái tạo các bộ phận cơ thể? Đây là câu hỏi nghe có vẻ khá hoang đường, nhưng đó là điều mà các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra.

Con người có khả năng tái tạo các bộ phận cơ thể chưa được khai thác? - 1

Các nhà nghiên cứu, do tiến sĩ James Godwin của Phòng thí nghiệm sinh học MDI ở Mỹ đứng đầu, vừa công bố một bài báo mới trên tạp chí Developmental Dynamics, tập trung vào sự khác biệt giữa động vật có vú và một loài kỳ giông rất đặc biệt được gọi là axolotl.

Axolotl có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng trong tự nhiên nhưng vẫn tồn tại trong điều kiện nuôi nhốt. Chúng là những sinh vật đáng kinh ngạc với khả năng độc đáo có thể tái tạo một loạt các bộ phận cơ thể.

Một số kỳ nhông cũng như các loài thằn lằn và động vật lưỡng cư khác cũng có khả năng tái tạo một thứ gì đó giống như đuôi, nhưng axolotl đã sử dụng khả năng đó và biến nó thành cực hạn. Axolotl có khả năng tái tạo đuôi, chân và da, nhưng chúng cũng có thể phát triển phổi, buồng trứng, tủy sống và thậm chí cả não hoặc tim mới nếu cần.

Khi nghiên cứu những gì xảy ra với vết thương ở cấp độ phân tử ở cả axolotl và chuột, vốn là những loài động vật có vú không có khả năng phục hồi mạnh mẽ như vậy, các nhà khoa học đã phát hiện ra một điều rất thú vị.

Họ phát hiện ra rằng các tế bào miễn dịch kích hoạt phản ứng sau chấn thương, được gọi là đại thực bào, là liên kết quan trọng để khai thác khả năng mọc lại các bộ phận cơ thể của động vật. Cụ thể hơn, tiến sĩ Godwin đã chứng minh rằng, khi một axolotl có quá ít tế bào miễn dịch này để phản ứng với chấn thương, một phần cơ thể bị thiếu sẽ không thể mọc lại và thay vào đó là một vết sẹo.

Ở chuột cũng như người, đại thực bào kích hoạt sẹo hơn là tái tạo, nhưng có thể thay đổi điều đó.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy con người có tiềm năng tái sinh chưa được khai thác. Nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề hình thành sẹo, chúng ta có thể mở ra tiềm năng tái tạo tiềm ẩn của mình. Axolotl không để lại sẹo, đó là thứ cho phép quá trình tái tạo diễn ra. Nhưng một khi vết sẹo đã hình thành, nó sẽ kết thúc về phương diện tái tạo. Nếu chúng ta có thể ngăn ngừa sẹo ở người, chúng ta có thể nâng cao chất lượng cuộc sống cho rất nhiều người", Godwin nói.

Tìm hiểu sâu hơn về phản ứng miễn dịch, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tín hiệu từ một loại protein cụ thể dường như chịu trách nhiệm cho phản ứng cụ thể của đại thực bào. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các phản ứng trong mô axolotl và mô chuột là khác nhau một cách bất ngờ. Điều này cho thấy rằng nếu chúng ta thực sự có thể sửa đổi tín hiệu đó, chúng ta có thể kích hoạt sự tái sinh trong mô chuột và cuối cùng là ở người.

Godwin giải thích thêm: "Chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc hiểu cách các đại thực bào axolotl giúp tái sinh, điều này sẽ đưa đến gần hơn với khả năng tạo ra đòn bẩy cho sự tái sinh ở người. Ví dụ, tôi hình dung có thể sử dụng hydrogel bôi tại chỗ vết thương có tẩm một chất có thể thay đổi hành vi của các đại thực bào giống như của axolotl".