Chuyện về tiến sĩ trẻ theo đuổi ước mơ người dùng Việt được dùng giá sạch
(Dân trí) - Từ thành công bước đầu với thiết bị ủ giá sạch quy mô gia đình GV-102, sau 6 năm theo đuổi, TS Đỗ Ngọc Chung tiếp tục phát triển thành công phiên bản máy ủ giá công nghiệp tự động.
Từng khởi nghiệp với Thiết bị làm rau giá sạch GV-102 từ năm 2014, doanh nhân, Tiến sĩ (TS) Đỗ Ngọc Chung được xem là thành công khi sáng lập Công ty TNHH Giải pháp năng lượng Toàn Diện với gần một triệu sản phẩm làm rau giá sạch được tiêu thụ trên thị trường.'
Lý giải sự đón nhận của thị trường, ở góc nhìn khoa học, TS Chung cho biết, quá trình sinh trưởng và phát triển của rau giá bản chất là quá trình hô hấp trong bóng tối, hút oxy và thải loại CO2, đi ngược lại với quá trình quang hợp của cây xanh. Theo đó, có 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của rau giá sẽ bao gồm hạt giống, nước, Oxy- CO2, và đặc biệt là độ nén, vì nếu thiếu độ nén, rau giá sẽ phát triển tự do và không được mập. Quy trình, công nghệ làm rau giá truyền thống đều không đảm bảo được 4 yếu tố trên nên năng suất, chất lượng đều thấp.
Đồng thời, quá trình sinh trưởng và chuyển đổi năng lượng như vậy sẽ sản sinh ra nhiệt lượng rất lớn. Do vậy, đối với mỗi lần thay đổi mùa, nếu các yếu tố quan trọng trên không được đảm bảo, quá trình giải nhiệt không tốt thì tỷ lệ rau giá bị hỏng là rất cao.
Không chỉ có vậy, trên thị trường gần như 100% quy trình sản xuất rau giá truyền thống đều sử dụng đến chất kích thích tăng trưởng.
“Đây là một phát hiện khiến tôi thực sự sửng sốt và không khỏi bất bình. Vì sử dụng chất kích thích trong sản xuất như vậy đồng nghĩa với việc người dân đang tự đầu độc chính mình và xã hội. Từ đây, mối trăn trở của tôi không chỉ còn dừng lại ở việc giúp bà con cải thiện tỷ lệ hư hỏng trong quá trình làm rau giá, mà rộng hơn, là phải tìm ra giải pháp loại bỏ tận gốc tình trạng sử dụng chất kích thích trong quy trình sản xuất rau giá trong toàn xã hội.”- TS Chung nói.
Kết quả chỉ sau một năm dành thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, anh đã sáng chế thành công dụng cụ làm rau giá, ban đầu là quy mô gia đình. Không dừng lại ở thành công này, từ mẫu GV-102, năm 2019 TS Chung tiếp tục nghiên cứu cải tiến cho ra đời các phiên bản máy ủ giá công nghiệp tự động công suất từ 100-250kg. Hiện gần 1000 sản phẩm đã được sử dụng trong các bếp ăn công nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch, doanh trại quân đội... phục vụ hàng ngàn bữa ăn đảm bảo sức khỏe người dùng.
Anh Chung cho biết: “Nếu làm giá sạch theo phương pháp truyền thống, cứ 01kg đỗ sẽ cho từ 5-6 kg giá sạch. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc kích thích, sản lượng có thể lên đến 08, thậm chí là 10 kg. Nhưng với dụng cụ làm rau giá sạch của tôi, bà con vẫn có thể thu về sản lượng tương đương mà chất lượng rau giá ngon, ngọt hơn trông thấy. Đây là tiền thân của thiết bị làm rau giá nhỏ gọn GV-102 sau này”.
Khát vọng “sạch hóa giá đỗ”
Chia sẻ về mục đích, chiến lược phát triển sản phẩm Máy ủ giá Công nghiệp loại 100, 150, 200 kg, TS Chung cho biết chiến lược phát triển ưu tiên cho các hộ gia đình trên khắp cả nước, thay vì tập trung cho các đơn vị, cơ sở sản xuất quy mô lớn. Làm như vậy vừa theo đuổi được mục tiêu “Sạch hóa giá đỗ” vừa tạo công ăn, việc làm cho nhiều bà con. Máy sản xuất rau giá công nghiệp có thể phục vụ nhu cầu tối thiểu cho khoảng 200 gia đình. Đây sẽ là công cụ giúp bà con sản xuất rau giá đơn giản, dễ dàng, hiệu quả cao, ý nghĩa thiết thực nhất là giúp tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, nhưng ý nghĩa lớn hơn là sự đồng hành của bà con trong công cuộc làm sạch giá đỗ bằng cách sản xuất và cung cấp rau giá sạch cho mỗi khu vực bằng máy sản xuất rau giá.
“Điều này trước hết đóng vai trò như một mô hình sản xuất năng động, đem đến cho người dân có hoàn cảnh khó khăn một phương tiện làm kinh tế hiệu quả với số vốn đầu tư ít nhưng ý nghĩa kinh tế và nhân văn lại vô cùng to lớn. Với các máy ủ giá tự động của tôi, người dân có thể tự cải thiện đời sống, thậm chí làm giàu từ chính việc sản xuất và phân phối rau giá sạch. Ý nghĩa thứ hai nhằm đảm bảo khả năng nhân rộng, tốc độ “Sạch hóa thị trường giá đỗ” trên khắp cả nước” TS Chung cho biết.
Theo anh Chung, nếu tập trung vào các đối tượng sản xuất quy mô lớn, thì có thể tăng doanh thu nhanh cho anh, nhưng lại khó có thể nhân rộng, phát triển nhanh và đảm bảo vì mục tiêu “Sạch hóa thị trường rau giá đỗ tại Việt Nam”. Việc phát triển nhỏ lẻ, tại từng khu vực cộng đồng cư dân, từng doanh trại quân đội, bếp ăn công nghiệp, chung cư,… sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng và chẳng mấy chốc vấn nạn giá bẩn sẽ bị xóa bỏ”, TS Chung kỳ vọng.
Nói về kinh nghiệm nhân rộng thiết bị sản xuất rau giá công nghiệp ở giai đoạn đầu, anh Chung thừa nhận: “Ở thời điểm đó, với tính cách của một nhà khoa học, với kết quả đạt được, tôi rất muốn đưa kết quả, sản phẩm mà tôi đã tạo ra cho người dân sử dụng ngay. Tuy nhiên, khi nhìn nhận ở góc độ người làm kinh doanh, nếu nóng vội đưa ngay sản phẩm làm rau giá công nghiệp ra thị trường thì cầm chắc thất bại, vì sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên đến từ vốn đầu tư. Để có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm như tôi mong muốn thành công, cần bỏ ra ít nhất 500 triệu đồng vào khâu chế tạo khuôn mẫu- một số tiền vượt quá khả năng của tôi khi đó và do vậy, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thứ hai, phân tích từ góc độ khách hàng mục tiêu, tôi cũng nhận ra nhiều điểm bất lợi. Khách hàng chính của tôi khi đó là các nhà sản xuất công nghiệp quy mô lớn, vì vậy, trong trường hợp nếu chấp nhận sản phẩm của tôi thì họ cũng phải bỏ ra một số tiền khá lớn để mua cùng một lúc nhiều sản phẩm, kéo theo sự thay đổi trong toàn bộ quy trình công nghệ và cả mối quan hệ với các thương lái từ trước đến nay. Do vậy, việc thay đổi tập quán sản xuất kinh doanh của nhóm khách hàng này theo tôi nhận định là vô cùng khó khăn, chưa kể đến hàng loạt bài toán về tỷ suất lợi nhuận khác cần phải cân đối.
Mối quan ngại thứ ba và cũng là điểm mấu chốt trong toàn bộ mong muốn ban đầu của tôi nằm ở việc: giả sử sáng chế của tôi được đông đảo bà con chấp nhận đi nữa, liệu họ có sử dụng sản phẩm ấy theo đúng mục đích ban đầu là làm rau giá sạch không? Hay họ vẫn tiếp tục sử dụng chất kích thích? Nếu là như vậy thì rõ ràng vấn nạn đầu tiên mà tôi đặt ra sẽ không hề được giải quyết, và tôi còn mang tội hơn khi đem đến một công cụ để tiếp tay cho họ làm điều xấu một cách hiệu quả hơn”.
Từ các khó khăn này TS Chung đã xem xét lại cả về giải pháp sáng chế, đối tượng khách hàng mục tiêu lẫn mô hình kinh doanh.
Thực tế TS Chung nhận thấy, để thuyết phục người dân mua và ủng hộ sản phẩm rau giá sạch hiện nay là rất khó. Vì niềm tin của người dân vào một quy trình sản xuất lành mạnh tại các cơ sở ngoài xã hội đã không còn. Người dân bây giờ chỉ tin vào những sản phẩm do mình trực tiếp làm ra. Nắm được vấn đề then chốt đó, Tiến sĩ Chung tự nhủ: nếu người dân bây giờ chỉ tin vào những gì mình trực tiếp làm ra, vậy nếu có một công cụ hiệu quả giúp họ có thể tự hiện thực hóa được niềm tin ấy sẽ thành công. Điều đó cũng có nghĩa rằng khách hàng mục tiêu mà anh nhắm đến bây giờ không còn là các cơ sở sản xuất với loại máy công nghiệp cỡ lớn, mà chuyển hướng sang từng hộ gia đình với thiết bị nhỏ gọn hơn. Và thực tế đã chứng minh đó là một quyết định sáng suốt.
Doanh nhân- Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung sinh năm 1980 tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oanh, Hà Nội.
Từ năm 2002-2008, là cán bộ nghiên cứu tại Viện khoa học Vật liệu, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Năm 2016, anh tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Nội và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật liệu và Linh kiện Nano.
Từ năm 2016 anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Xưởng Cơ khí điện tử, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Truyền thông công nghệ, thuộc Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
TS Chung từng có hơn 10 sản phẩm khoa học công nghệ đang được thương mại hóa và 5 bằng Sở hữu trí tuệ đã được Cục SHTT Việt Nam công nhận. Anh cũng là diễn giả của nhiều chương trình, hội thảo và đã nhận được nhiều giải thưởng, vinh danh tại các sự kiện lớn.