Chuyện về nhà khoa học 20 năm quyết tâm “làm đẹp” môi trường làng nghề Việt
(Dân trí) - Sau hai thập kỷ dành trọn tâm huyết để “làm đẹp” môi trường làng nghề Việt với nhiều đóng góp to lớn, thời điểm hiện tại ở cái tuổi “Cổ lai hy”, GS.TS Đặng Thị Kim Chi vẫn còn đó nhiều nỗi băn khoăn đành gửi gắm cho thế hệ đi sau.
Một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Nhớ lại thời điểm bắt đầu bén duyên với lĩnh vực môi trường, Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) - Nhà giáo Nhân dân Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được giữ lại trường làm giảng viên của khoa Hóa. Thời điểm sau giải phóng, nhà trường nhận thấy rằng, trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì môi trường trở thành một vấn đề bức thiết, nên lãnh đạo khoa đã trao đổi với tôi về việc cử ra nước ngoài học tập và nghiên cứu về vấn đề này. Đến năm 1978, tôi chính thức được gửi đi Cộng hòa Dân chủ Đức để đào tạo về lĩnh vực bảo vệ môi trường.”
Với mong muốn đem những kiến thức quý giá được đào tạo ở nước ngoài, để phát triển ngành môi trường, lúc này vẫn còn rất mới mẻ ở nước ta, sau khi về nước, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã cùng các cán bộ được đào tạo về lĩnh vực bảo vệ môi trường đã thành lập Nhóm Chuyên ngành về Môi trường. “Năm 1994 chúng tôi tiến tới thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ Môi trường, rồi đến năm 1998 thì phát triển thành Viện Khoa học và Công nghệ môi trường. Sự thành lập của Viện có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi các lứa kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu được đào tạo từ thời điểm này.” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi bồi hồi kể về thời kỳ bà cùng đồng nghiệp chung sức xây dựng nền móng cho lĩnh vực môi trường ở Việt Nam.
Tình cờ bén duyên với môi trường làng nghề từ một đề tài khoa học
Tình cờ được tiếp cận một đề tài về đánh giá hiện trạng môi trường của ba loại hình làng nghề Việt Nam ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Tây vào năm 1999, GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhận thấy rằng, vấn đề môi trường của một loại hình sản xuất rất đặc trưng của Việt Nam này lại đang bị bỏ ngỏ. Xuất phát từ suy nghĩ đó, GS.TS Đặng Thị Kim Chi quyết tâm đi sâu vào nghiên cứu và thực tiễn về môi trường ở các làng nghề. Càng tìm hiểu, bà lại càng nhận thấy được nhiều điểm đặc biệt của làng nghề Việt Nam, cũng như càng nhận thức được sự cấp thiết của việc giải bài toán về môi trường ờ loại hình sản xuất này.
“Làng nghề là một hình thức rất đặc thù của nông thôn Việt Nam và chỉ ở Việt Nam mới có nhiều làng nghề như vậy. Đó là một hoạt động phi nông nghiệp nhưng lại tồn tại trong vùng nông thôn. Ra đời nhằm tận dụng lao động lúc nông nhàn nhưng lại kế thừa truyền thống của những sản phẩm phi nông nghiệp ấy và thương mại hóa. Ban đầu, các sản phẩm làng nghề chỉ được trao đổi mua bán trong làng xã nhưng rồi lại được mở rộng giao thương ra các tỉnh và thậm chí là xuất khẩu. Nói tóm lại đây là hướng phát triển kinh tế nông thôn rất đặc thù.” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhận định về loại hình sản xuất làng nghề ở Việt Nam.
Cũng chính vì là hoạt động kinh tế tự phát từ những người nông dân nên sản xuất làng nghề có nhiều điểm hạn chế nhất định. Ví dụ: Công nghệ sử dụng lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ và xen kẽ với đời sống gia đình. Vì vậy, vấn đề chất thải phát sinh từ các hoạt động nghề thủ công thậm chí còn nhiều hơn các hoạt động hiện đại, quy mô lớn.
“Một trong những điều khiến tôi băn khoăn nhất chính là việc các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm ngay trong khu dân cư, nên gây tác động trực tiếp đến những người dân vừa sinh sống vừa sản xuất tại đây. Nhận thức được trách nhiệm của mình về một vấn đề môi trường đang rất nóng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực này, tôi đã quyết định đi sâu vào lĩnh vực môi trường các làng nghề Việt Nam” - GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ lý do mình quyết định dành tâm huyết cho vấn đề môi trường làng nghề.
Thành quả 16 năm nghiên cứu về lĩnh vực làng nghề giành giải Nhất giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019”
Trong giai đoạn 1999-2013, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã thực hiện, với vai trò là chủ nhiệm đề tài, tổng cộng 14 đề tài nghiên cứu khoa học xoay quanh vấn đề môi trường làng nghề, đặc biệt trong đó có một đề tài cấp Nhà nước. Kết quả thu nhận được từ những đề tài này chính là căn cứ quan trọng để GS.TS Đặng Thị Kim Chi xây dựng Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam”, bao gồm:
-Bộ sách chuyên khảo “Làng nghề Việt Nam và Môi trường” tập 1, 2, 3.
-7 bộ tài liệu hướng dẫn cải thiện môi trường các làng nghề (làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt nhuộm, sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại).
-7 mô hình công trình xử lý chất thải cho cơ sở sản xuất tại một số loại hình làng nghề.
Được biết, sau khi được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành, 3 bộ sách chuyên khảo và 7 bộ tài liệu hướng dẫn đã được phân phối về tất cả các địa phương, để làm cơ sở xây dựng chính sách cũng như chương trình tuyên truyền giáo dục đối với bảo vệ môi trường ở làng nghề; hướng dẫn phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề thông qua các chính sách quản lý, các công nghệ sản xuất sạch hơn, ứng dụng thiết bị hiện đại, giải pháp giảm thiểu chất thải.
7 mô hình công nghệ xử lý chất thải cho các loại hình làng nghề, cũng được xây dựng thí điểm tại các hộ sản xuất như: Hệ thống xử lý nước thải ở làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Bắc Ninh), làng nghề chế biến thực phẩm Ứng Hòa (Hà Tây); hệ thống xử lý bụi của các máy chà gỗ ở làng nghề chế biến sản phẩm gỗ; hệ thống thu hồi khí chăn nuôi ở làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, để biến thành khí biogas dùng cho đun nấu; hệ thống xử lý khí thải phát sinh ở làng nghề tái chế kim loại…
Trong những năm qua, các sản phẩm của bộ công trình “Môi trường các làng nghề Việt Nam” đã được phổ biến và đón nhận ở nhiều địa phương có làng nghề, giúp định hướng và triển khai các giải pháp tổng hợp trong quản lý môi trường, từ đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân sống trong khu vực, giảm xung đột môi trường, góp phần phát triển bền vững cho các làng nghề.
Việc Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam” được trao giải Nhất giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019” trong lĩnh vực Môi trường, đã một lần nữa khẳng định những giá trị to lớn của công trình này, trong việc góp phần giải quyết bài toán về ô nhiễm ở các làng nghề Việt Nam.
Chia sẻ về Giải thưởng, GS.TS Đặng Thị Kim Chi khẳng định: “Giải thưởng Nhân tài đất Việt sẽ là một nguồn động lực, khích lệ to lớn để tôi tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực môi trường làng nghề nói riêng và môi trường Việt Nam nói chung!”
Kỷ niệm buồn, vui xuyên suốt 2 thập kỷ cống hiến cho môi trường làng nghề Việt
“Nghiên cứu về lĩnh vực môi trường làng nghề đòi hỏi nhà khoa học sâu sát với thực tế, thường xuyên đến trực tiếp các vùng nông thôn, tiếp xúc với người dân thì mới hiểu rõ được ngọn ngành của vấn đề môi trường đang phát sinh, cũng nhờ vậy mà ngần ấy năm đi sâu nghiên cứu lĩnh vực này đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui có, buồn có và thậm chí còn có cả khoảnh khắc nguy kịch vì tai nạn trong quá trình công tác.” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi tâm sự.
Vị giáo sư đáng kính tiếp tục mạch chuyện với những kỷ niệm như mới xảy ra ngày hôm qua: “Trong quá trình đi thực tế các làng nghề, tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các cấp, các ngành có liên quan tại địa phương, đặc biệt là từ chính người dân và chủ cơ sở sản xuất. Có một kỷ niệm mà tôi có lẽ không bao giờ quên được, đó là vào ngày 30 Tết cách đây nhiều năm, chủ một cơ sở chế biến đồ gỗ ở Hương Mạc, Bắc Ninh, trước đó đã được tôi cùng các đồng nghiệp lắp đặt hệ thống hấp thụ bụi từ máy chà gỗ, cùng con trai đã tự tìm đến nhà tôi và kỷ niệm một bức phù điêu gỗ khắc chữ “Phúc”, họ thậm chí còn mang cả khoan và đinh để treo tấm phù điêu này cho kịp giao thừa. Những tình cảm chân chất này của người dân quê khiến tôi vô cùng xúc động và thêm yêu, tự hào với lĩnh vực mà mình đang cống hiến!"
Bên cạnh những kỷ niệm đẹp, chuyên gia này cũng gặp không ít tình huống để lại cho bà “nhiều suy tư” về tư duy “tiểu nông”, đặt cái lợi trước mắt lên đầu của không ít các chủ làng nghề, vốn là một trong những rào cản lớn nhất trong việc giải quyết bài toán môi trường làng nghề Việt Nam. Chỉ qua một ví dụ ngắn, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã khiến chúng tôi hiểu được phần nào vấn đề này: “Tôi từng làm hệ thống xử lý hơi dung môi ở làng nghề sơn mài Vạn Điểm, khi làm xong hiệu quả hoạt động của hệ thống rất tốt. Tuy nhiên, chủ cơ sở lại phàn nàn rằng, hệ thống này khiến gia đình mất thêm 300.000 đồng tiền điện mỗi tháng, trong khi các nhà khác không cần lắp cũng không sao. Nghe được ý kiến này của bà chủ, anh em công nhân liền góp ý là từ lúc có hệ thống họ đỡ mệt hẳn và làm việc rất hăng hái. Chủ cơ sở chẳng mảy may cân nhắc trả lời ngay: Chúng mày không làm thì tao thuê đứa khác!”
Ở cái tuổi “Cổ lai hy” khó có thể ngờ rằng, chỉ vừa mới năm ngoái, nhà khoa học này vừa trải qua một vụ tai nạn nghiêm trọng, cũng trong một chuyến công tác liên quan đến vấn đề môi trường làng nghề. Được biết, trong chuyến công tác về làng nghề Tràng Dũ ở Hà Tĩnh, khi đang đứng chờ lấy hành lý trên xe, bà đã bị một xe máy tông thẳng vào người.
“Tôi chứng kiến tất cả diễn biến sự việc, sau cú va chạm, thấy rõ chân mình đã bị gãy vuông góc. Ngay sau đó, tôi được chuyển ngay đến bệnh viện thành phố Vinh nhưng sau quá trình kiểm tra, các bác sĩ kết luận rằng, tình trạng quá nghiêm trọng và bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên ngay lập tức. 4 giờ chiều ngày hôm đó, tôi trải qua hành trình dài 5 tiếng đồng hồ trên xe cứu thương để đến Bệnh viện Việt Đức, trong suốt chuyến đi, tôi đã dùng hết 4 ống morphin. Đến thời điểm hiện tại, chân của tôi vẫn còn cố định vít bên trong và việc di chuyển vẫn còn gặp nhiều khó khăn” – Nhà khoa học “nặng gánh” với môi trường làng nghề Việt Nam thuật lại sự cố đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình.
Lời nhắn gửi đến thế hệ trẻ
Từ góc độ của một trong những chuyên gia đầu tiên về lĩnh vực môi trường của Việt Nam, GS.TS Đặng Thị Kim Chi gửi gắm tâm huyết của mình đến những thế hệ đang và sẽ cống hiến cho lĩnh vực môi trường: “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống chúng ta không chỉ trong hiện tại mà còn cả tương lai. Đây chính là tiền đề quan trọng để đất nước ta phát triển bền vững, tức là sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy, nghề môi trường là một nghề nhân đạo, một nghề đáng tự hào, các em hãy luôn cố gắng, phải tìm ra những vấn đề môi trường cần được giải quyết và giải quyết đến cùng để có hiệu quả, để giữ môi trường của chúng ta luôn trong sạch và bền vững.”
Bài: Minh Nhật
Ảnh: Trọng Trinh