Chuyên gia lý giải hiện tượng ô nhiễm không khí nặng ở Bắc Bộ
(Dân trí) - Sáng 6/11, không khí nhiều nơi ở khu vực phía Bắc ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – một chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai chia sẻ: "Trước đó tôi đã dự báo điều này bởi chiều ngày 1/11 tôi có chuyến bay đáp sân bay Nội Bài vào 5h. Khoảng thời gian 4h30 chiều, qua cửa sổ máy bay tôi thấy một khối mây dày đặc gần như phân biệt 2 tầng khí quyển một cách rõ rệt.
Khối mây này nằm ở độ cao 2.300m và có độ dày khoảng 1.000m kéo dài từ Hà Tĩnh tới Hà Nội, và tất nhiên là lên tận Trung Quốc (sau khi xem ảnh vệ tinh). Nhiệt độ tại khối mây là từ 15 độ C đến 18 độ C. Khối mây này sẽ tồn tại lâu và sẽ khiến ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở khu vực Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trở nên trầm trọng trong tuần này".
“Tự đám mây không gây ô nhiễm nhưng nó cản trở sự thoát khí bụi khỏi tầng không khí từ 1.000m trở xuống. Gió yếu trong tuần này cũng khiến cho không khí bẩn không thoát ra bên ngoài biển được. Hiện tượng nghịch nhiệt có thể xảy ra vào ban đêm khi nhiệt độ không khí gần mặt đất thấp hơn nhiệt độ khối không khí bên trên nó ở khoảng cách từ 500-1.000m cách mặt đất làm cho hiện tượng trao đổi không khí từ dưới lên trên bị hạn chế”, Tiến sĩ Huy giải thích trên facebook cá nhân ngày 2/11.
Rạng sáng ngày 6/11, Tiến sĩ Huy tiếp tục đưa ra cảnh báo: Bản đồ ô nhiễm không khí đang thể hiện ở mức nguy hiểm ở hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Một màu tím ngắt và đỏ nâu thể hiện mức độ ô nhiễm không khí đang ở mức nghiêm trọng trên diện rộng.
Thực tế thì, ngày 6/11, các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Envisoft (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ), nhiều điểm quan trắc Bắc Bộ có màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe, thậm chí có 8 điểm màu nâu - mức nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới sức khỏe của người dân.
Trước việc ô nhiễm không khí trầm trọng nhưng các cơ quan chức năng không đưa ra một lời cảnh báo nào cho người dân, TS Nguyễn Ngọc Huy bày tỏ sự băn khoăn: “Còn nhớ, với mức ô nhiễm không khí AIQ (chỉ số chất lượng không khí) = 163, Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã đóng cửa trường học để bảo vệ sức khỏe học sinh. Còn ở Việt Nam, ngay lúc này nhiều nơi ở Miền Bắc đang có mức AIQ lớn hơn 300. Tôi cố gắng tìm một lời khuyên, một thông báo từ cơ quan chức năng dù là Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GD-ĐT những đều không có”.
“Tôi đã có nhận định về đợt ô nhiễm không khí này từ 4 ngày trước do các yếu tố thời tiết bất lợi. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thời tiết không gây ra ô nhiễm không khí, không phải nguồn phát thải. Nó chỉ không giúp cải thiện chất lượng không khí bằng gió, mưa và nhiệt mà thôi”, TS Huy nói.
Tiến sĩ Huy nhấn mạnh: “Trong lúc không có cơ quan chức năng nào hành động gì thì người dân cần phải tự giúp chính mình. Cần đóng kín cửa sổ khi ngủ buổi đêm, mang khẩu trang chống bụi mịn, bảo vệ sức khỏe của người già và trẻ nhỏ bằng cách hạn chế ra ngoài đường. Những người nhạy cảm với ô nhiễm không khí nên ở nhà vào những ngày này”. TS Huy cũng dự báo tình trạng ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục kéo dài.
Trong khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Đêm và sáng sương mù dày khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao, lơ lửng ở tầng thấp. Người dân nên cập nhật thường xuyên chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.