1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Chuyến bay lịch sử thám hiểm Mặt Trời

Phạm Hường

(Dân trí) - Một lần nữa, con tàu Parker sắp sửa làm nên lịch sử khi thực hiện chuyến bay thám hiểm Mặt Trời.

Chuyến bay lịch sử thám hiểm Mặt Trời - 1
Hình minh họa tàu thám hiểm Parker đang tiến đến gần Mặt Trời (Ảnh: NASA)

Vào đêm Giáng sinh, tàu Parker sẽ đến gần Mặt Trời hơn bất kỳ vật thể nhân tạo nào từng đến được và bay với tốc độ nhanh hơn bất kỳ vật thể nhân tạo nào từng bay được.

Trong lần thứ 22 viếng thăm Mặt Trời, con tàu sẽ chỉ cách bề mặt ngôi sao này 6,1 triệu km với tốc độ khoảng 192 km/giây. NASA đã nhận được tín hiệu từ con tàu cho thấy mọi hoạt động diễn ra bình thường và Parker đang ở đúng vị trí cần thiết để thực hiện cú "lặn sâu" vào không gian gần Mặt Trời vào lúc 18h53 ngày 24/12 theo giờ Việt Nam.

Đây là vòng đầu tiên trong những lượt bay quanh Mặt Trời trong năm 2025 của con tàu ở điểm cận nhật trước khi Parker hoàn thành sứ mệnh của mình.

Chuyến bay lịch sử thám hiểm Mặt Trời - 2
Hình minh họa tàu Parker đang thu thập thông tin về môi trường khắc nghiệt gần Mặt Trời (Ảnh: NASA).

Tàu thám hiểm Parker được phóng vào không gian năm 2018. Từ đó đến nay, nó vẫn liên tục lập nên những kỷ lục cả về khoảng cách đến gần Mặt Trời và tốc độ bay.

Con tàu có nhiệm vụ cung cấp cho chúng ta các dữ liệu ở khoảng cách gần Mặt Trời nhất từ trước đến nay. Thông tin do tàu gửi về đang giúp các nhà khoa học tìm hiểu hoạt động của ngôi sao này, điều mà chúng ta mới chỉ biết rất ít.

Một trong những bí ẩn lớn nhất về Mặt Trời là vì sao bầu khí quyển trải dài hơn 8,3 triệu km lại nóng hơn nhiều so với bề mặt của nó. Câu hỏi tiếp theo là từ trường của nó được tạo ra như thế nào.

Ngoài ra, chúng ta cũng không biết điều gì thúc đẩy các chu kỳ hoạt động, cũng như một số thành phần hóa học trong khí quyển Mặt Trời. Với thông tin do tàu Parker gửi về, các nhà khoa học hy vọng sẽ mở khóa được những bí ẩn này.

Vòng bay quanh Mặt Trời vào ngày 24/12 sẽ là một thử thách đối với tàu Parker và những người điều khiển nó từ Trái Đất.

Nhà vật lý thiên văn học Nour Raouafi ở Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng, Trường đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho biết: "Về cơ bản chúng ta gần như đã hạ cánh xuống một ngôi sao. Đây sẽ là một thành tựu to lớn đối với toàn thể nhân loại. Điều này sánh ngang tầm với cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 1969".

Sau khi bay tới điểm cận nhật, con tàu sẽ truyền tín hiệu vào ngày 27/12 để thông báo nó đã vượt qua thử thách.

Kỹ sư hàng không vũ trụ Nick Pinkine - Giám đốc điều hành Chương trình Tàu thám hiểm Mặt Trời Parker - cho biết chưa từng có vật thể nào do con người tạo ra từng bay đến gần một ngôi sao như vậy, vì thế Parker sẽ gửi về những dữ liệu từ vùng đất chưa bao giờ được khám phá.

Theo kế hoạch, tàu thám hiểm này sẽ thực hiện thêm 4 lần cận nhật nữa trong năm 2025 với cùng tốc độ và khoảng cách từ Mặt Trời, vào các ngày 22/3, 19/6, 15/9 và 12/12.

Theo www.sciencealert.com