Chế tạo “quan tài sống” có thể tự phân hủy trong môi trường

Phạm Hường

(Dân trí) - Một công ty khởi nghiệp ở Hà Lan có tên Loop đã thiết kế ra “quan tài sống” có thể tự phân hủy trong môi trường.

Loại quan tài này được làm bằng nấm thay vì bằng gỗ. Công ty này cho biết loại nguyên liệu này có thể biến xác người phân hủy thành các dưỡng chất thiết yếu cho cây.

Chế tạo “quan tài sống” có thể tự phân hủy trong môi trường - 1

Ông Bob Hendrikx – nhà sáng chế và nhà thiết kế sinh học ở Delft, Hà Lan – đang mở một chiếc quan tài sống làm bằng sợi nấm.

Công ty cho biết những chiếc quan tài này được làm từ sợi nấm, tức là phần rễ dưới đất của cây nấm. Đệm lót quan tài làm bằng rêu để kích thích sự phân hủy.

Ông Bob Hendrikx, người sáng tạo ra loại quan tài sống này cho biết “sợi nấm là nhà tái chế vĩ đại nhất của tự nhiên. Nó luôn luôn tìm kiếm thức ăn và biến đổi chúng thành dưỡng chất cho cây. Sợi nấm còn ăn cả các chất độc và biến chúng thành chất bổ dưỡng. Sợi nấm đã được dùng ở Chernobyl, Nga, để tẩy sạch đất sau thảm họa hạt nhân ở đây. Và điều tương tự cũng xảy ra ở những nơi chôn cất người quá cố vì đất ở những nơi này vô cùng ô nhiễm và sợi nấm lại đặc biệt thích kim loại, dầu và vi nhựa”.

Trong phòng thí nghiệm của công ty đặt tại Trường đại học Kỹ thuật Delft, Hà Lan, các nhà nghiên cứu trộn sợi nấm với các mẩu gỗ nhỏ và ép thành các tấm ván làm quan tài. Sau 1 tuần, sợi nấm mọc xuyên qua các mẩu gỗ, khi đó quan tài được sấy khô và có độ bền đủ để đựng được 200kg.

Sau khi đem chôn, các tấm ván này chịu tác động của nước ngầm dưới lòng đất và sẽ phân rã trong vòng 30 đến 45 ngày. Xác người sẽ phân hủy trong khoảng 2 – 3 năm, thay vì 10-20 năm nếu chôn trong các quan tài bình thường.

Cho đến nay, công ty Loop đã bán được 10 chiếc quan tài này với giá 1.500 euro, khoảng 1.760 đô-la Mỹ/ chiếc.

Ông Hendrikx cho biết khi chiếc quan tài sống này nằm trong đất, mọi người thậm chí có thể tưới nước lên trên, gieo hạt và người quá cố có thể sẽ trở thành chính cái cây theo ước nguyện của họ.