Câu chuyện đằng sau bức ảnh biểu tượng của Thế chiến II
(Dân trí) - Đã 75 năm trôi qua kể từ khi xuất hiện bức ảnh biểu tượng của thủy quân lục chiến Mỹ.
Ngày 23/2/1945, trong trận chiến Iwo Jima (diễn ra từ 19/2 đến 26/3/1645), 6 người lính thủy quân lục chiến đã cắm lá cờ của Mỹ trên đỉnh núi Suribachi. Hình ảnh này đã được nhà báo Joe Rosenthal của hãng thông tấn Associated Press ghi lại và bức ảnh của ông nhanh chóng nổi tiếng thế giới. Điều mà nhiều người không biết chính là bức ảnh mang tính biểu tượng này thực ra là chụp lá cờ thứ hai được phất trên đỉnh Iwo Jima ngày hôm đó.
Ai đã phất lá cờ đầu tiên ở Iwo Jima?
Nằm ở vị trí địa đầu phía Nam của đảo Nhật Bản, núi Suribachi là một núi lửa ngủ cao 166 mét. Đỉnh núi có tầm nhìn bao quát phần còn lại của Iwo Jima, kể cả các bãi biển cát đen trong vùng. Trong trận đánh này, một trong những trận đánh đẫm máu nhất ở chiến trường Thái Bình Dương, các lực lượng quân đội Nhật đã sử dụng điạ điểm lợi thế này để trực tiếp nã pháo vào quân Mỹ. Ngay sau khi bắt đầu trận chiến, quân Mỹ đã đặt mục tiêu phải chiếm được vị trí này.
Một xe tuần chiến 40 lính do Trung úy Harold G. Schrier chỉ huy, là đơn vị quân Mỹ đầu tiên đặt chân tới đỉnh núi vào ngày 23/2. Đây là những người lính thuộc tiểu đoàn 2, họ đã mang theo quốc kỳ Mỹ từ tàu USS Missoula, một con tàu chở xe tăng đã đổ quân và hàng hóa lên Iwo Jima. Trước đó, Trung úy Shrier đã nhận lá cờ từ tay sĩ quan phụ tá của tiểu đoàn với lời dặn “hãy cắm lá cờ này nếu anh đến được đỉnh núi”.
Lá cờ từ con tàu USS Missoula đã được Trung úy Shrier cùng hai người lính thủy quân lục chiến khác phất lên vào khoảng 10.30 sáng hôm ý (theo giờ địa phương).
Ông Tom Price, một cựu chiến binh hải quân Mỹ trên tàu USS Missoula khi đó, đã chia sẻ kỉ niệm của ông về trận chiến. Ông nói “kỉ niệm đẹp nhất với tôi là ngày chúng tôi trao lá cờ từ con tàu của mình cho một trung úy. Đó là lá cờ đầu tiên tung bay trên núi Suribachi. Từ khoảng cách 457 mét, chúng tôi đã dõi theo họ tiến dần lên đỉnh núi và phất lên lá cờ. Có hàng trăm con tàu và tất cả mọi người đều huýt sáo, thổi còi. Ai cũng vui mừng và đó thực sự là một điều ý nghĩa bởi vì lá cờ từ con tàu Missoula là lá cờ đầu tiên tung bay trên lãnh thổ Nhật Bản. Chúng tôi vô cùng tự hào.”
Trung sĩ Louis R. Lowery, một phóng viên ảnh làm việc cho tạp chí Leatherneck của quân đội, đã chụp ảnh Trung úy Shrier cùng các binh sĩ khác trên đỉnh Suribachi.
Ai đã phất lá cờ thứ hai?
Lá cờ đầu tiên do Trung úy Shrier cắm được cho là quá nhỏ để nhìn được từ phía Bắc của Suribachi, vì thế lực lượng thủy quân lục chiến đã tìm lá cờ khác để thay thế. Theo nhà sử học Robert E. Allen, lá cờ trong bức ảnh nổi tiếng của Rosenthal là lá cờ lấy từ tàu đổ bộ xe tăng USS LST-779, và có kích thước 142 x 244 cm.
Theo nghiên cứu gần đây, những người lính trong ảnh là Harlon Block, Harold Keller, Ira Hayes, Harold Schultz, Franklin Sousley và Michael Strank. Rosenthal đã nhanh chóng chụp lại được bức ảnh bằng chiếc máy ảnh Speed Graphic mà không hề có hỗ trợ của kính ngắm. Lúc đó, ông không hề nhận ra tầm quan trọng của bức ảnh.
Thật không may, sau đó Block, Sousley và Strank đã chết trong khi chiến đấu. Tuy vậy, 3 người lính khác còn sống sót đã trở về nhà trong sự chào đón của mọi người như những người anh hùng.
Vào cuối cuộc chiến tranh, bức ảnh của Rosenthal đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Bức ảnh đã đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1945, và trở thành nguồn cảm hứng cho hình ảnh Đài tưởng niệm chiến tranh của quân đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, đặt ở công viên Arlington Ridge, bang Virginia. Đài tưởng niệm đã được khánh thành ngày 10/11/1954 với sự có mặt của Tổng thống Eisenhower. Năm 1961, Tổng thống Kennedy tuyên bố rằng lá cờ của nước Mỹ phải được tung bay trên đài tưởng niệm 24/24 giờ tất cả mọi ngày.
Phạm Hường
Theo Live Science