1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cần nhanh chóng giải quyết việc tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

(Dân trí) - “Xác định các giải pháp để nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” – Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đối với Cục Sở hữu trí tuệ.

Trong buổi trao đổi với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhân Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh chia sẻ: Cùng với quá trình phát triển đất nước, Cục SHTT đã đạt nhiều thành tựu đáng kể; thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ và Bộ KH&CN thống nhất quản lý nhà nước về SHTT và trực tiếp quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục đã triển khai một cách toàn diện các hoạt động trọng tâm.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ sớm tìm giải pháp để giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ sớm tìm giải pháp để giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, hệ thống pháp luật về SHTT cơ bản được hoàn thiện, tạo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật về KH&CN cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung; phù hợp với chuẩn mực phổ cập của thế giới và đang hướng tới các chuẩn mực tiên tiến của thế giới theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tạo lập một hệ thống tài sản trí tuệ với tổng số khoảng 330.000 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. Đây là nền tảng có giá trị cao để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, xã hội khai thác phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta hiện nay – nền kinh tế dựa vào lao động chất lượng cao, KH&CN và đổi mới sáng tạo…

“Với sự đóng góp quan trọng của SHTT, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) và Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (năm 2017 GII của Việt Nam tăng 12 bậc xếp 47/127, đây là thứ hạng cao nhất chúng ta đạt được)” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Tuy nhiên người đứng đầu Bộ KH&CN cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập và hạn chế đang cản trở sự phát triển hiện nay như: tình trạng tồn đọng đơn, tổ chức và hoạt động của hệ thống SHTT, …, đồng thời cũng nhận thức được những thách thức đối với lĩnh vực SHTT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để giải quyết những vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị, trước mắt Cục SHTT tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực SHTT trong thời gian tới; Xác định các giải pháp để nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Đặc biệt, cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, hoạt động của cục nói chung; đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng công tác quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của cán bộ công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo sự đoàn kết, ổn định của cơ quan” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Cục SHTT, tính đến hết năm 2016, đơn vị này đã cấp 16.439 bằng độc quyền sáng chế, 1.469 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 23.145 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 274.560 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 54 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Số lượng nhãn hiệu của người Việt Nam đã chiếm đến 68% số giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp ra, với 186.613 nhãn hiệu, đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ 61 sáng chế/giải pháp hữu ích, hỗ trợ áp dụng 11 sáng chế, hỗ trợ bảo hộ và quản lý quyền cho 109 sản phẩm đặc thù của địa phương, tổ chức tập huấn cho khoảng 30.000 lượt người và phát sóng hàng nghìn chương trình tuyên truyền về SHTT trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, nhờ sự tích cực này mà nhiều thương hiệu có giá trị lên đến hàng trăm triệu USD như Vinamilk, Viettel, Vigroup, ...; nhiều chỉ dẫn địa lý làm thay đổi đời sống nhân dân như miến dong Bắc Kạn, …

S.H