Cận cảnh máy chữa lành vết thương không cần kháng sinh "made in Việt Nam"

(Dân trí) - Sau một thời gian nghiên cứu chế tạo rồi đưa vào thử nghiệm mang lại những hiệu quả tích cực, được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của tiến sỹ 8X Đỗ Hoàng Tùng đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm thiết bị y tế. Đây được coi là chiếc máy PlasmaMed "made in Việt Nam" đầu tiên được đưa vào thử nghiệm chữa lành vết thương mà không cần kháng sinh.

Bắt đầu từ năm 2011 với "nguồn vốn" là 2 chiếc bàn văn phòng và một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với chi phí 15 triệu đồng, 4 năm sau, Tiến sỹ(TS) Đỗ Hoàng Tùng- Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cùng với cộng sự đã chế tạo thành công chiếc máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP) - một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này.

Tới nay, sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của TS Tùng đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ.

Nhớ về chặng đường gian nan trong quá trình nghiên cứu của mình, TS Đỗ Hoàng Tùng tươi cười chia sẻ: "Plasma được ứng dụng trong y sinh học từ rất lâu để xử lý bề mặt vật liệu y tế hoặc làm sạch, diệt khuẩn dụng cụ y tế. Nhưng ứng dụng điều trị của plasma là rất mới và nhiều triển vọng. Những ngày đầu bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do không có nguồn ngân sách hỗ trợ nên phải tận dụng tất cả những gì mình có; tiết kiệm ngân sách ở các đề tài được giao để có chi phí thực hiện... Lúc đầu chiếc máy nhìn rất là xấu xí nhưng sau này có sự hỗ trợ của bạn bè nên cũng được đầu tư hơn và chiếc máy cũng bắt mắt hơn".

Cũng theo TS Tùng, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, plasma lạnh kích thích và tăng tốc làm lành vết thương, tái sinh mô, tăng sinh tế bào, hình thành mạch, vết thương se khô rõ rệt và nền vết thương hồng hơn, vết thương nhanh liền hơn, khả năng co kéo vết thương ít hơn so với vùng chứng. Điều trị bằng plasma là an toàn.

"Hiện nay chúng tôi đã chế tạo được 20 máy và đặt thử nghiệm ở 18 cơ sở y tế. Trước mặt bệnh nhân được điều trị miễn phí. Qua điều trị bằng plasma đối với một số bệnh nhân bị vết thương viêm nặng nhưng kháng thuốc kháng sinh thì đều khỏi bệnh" - TS Đỗ Hoàng Tùng tự hào cho biết.

Bác sỹ Phạm Đăng Nhật (GĐ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật tạo hình - BV trung ương Huế) là người trực tiếp đứng ra chỉ đạo điều trị bằng công nghệ plasma cho bệnh nhân Nguyễn Thị Phước 58 tuổi ở phường Thuận Hoà, thành phố Huế cho biết thêm: "Với bệnh nhân Phước được điều trị trong 6 phiên, mỗi một phiên là 15 lần chiếu. Mỗi lần chiếu khoảng 10 giây lại nghỉ 2 giây. Kết quả thật sự ngạc nhiên khi vết thương hết viêm, hết nhiễm trùng. Sau sáu phiên điều trị thì vết thương tự nó lành lại và bệnh nhân hết đau".

Một số hình ảnh của chiếc máy plasma do tiến sĩ 8X Đỗ Hoàng Tùng cùng với các cộng sự chế tạo:


Chiếc máy PlasmaMed có bánh xe nên thuận tiện trong việc di chuyển. Hiện chiếc máy vẫn phải mua và đặt một số linh kiện từ nước ngoài.

Chiếc máy PlasmaMed có bánh xe nên thuận tiện trong việc di chuyển. Hiện chiếc máy vẫn phải mua và đặt một số linh kiện từ nước ngoài.


TS Đỗ Hoàng Tùng giải thích về cách thức hoạt động của máy.

TS Đỗ Hoàng Tùng giải thích về cách thức hoạt động của máy.

Cận cảnh máy chữa lành vết thương không cần kháng sinh "made in Việt Nam" - 3
Cận cảnh máy chữa lành vết thương không cần kháng sinh "made in Việt Nam" - 4
Cận cảnh máy chữa lành vết thương không cần kháng sinh "made in Việt Nam" - 5

Cận cảnh tia plasma lạnh điều trị vết thương mà không cần kháng sinh

Cận cảnh tia plasma lạnh điều trị vết thương mà không cần kháng sinh

Trọng Trinh-Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm