1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cái chết đen là gì?

(Dân trí) - Cái chết đen là một đại dịch ám ảnh châu Âu trong thế kỉ XIV. Nhà sử học Ole Jørgen Benedictow người Na Uy đã ước tính khoảng 50 – 60% dân số châu Âu khi đó đã chết trong đại dịch bệnh dịch hạch này, chứ không phải chỉ 1/3 dân số châu Âu như mọi người thường nói.

Trên thực tế, không chỉ châu Âu bị đại dịch này hoành hành mà cả vùng Trung Đông và xa hơn nữa cũng bị ảnh hưởng trong bốn thế kỷ tiếp theo khi mà cứ 10 đến 20 năm căn bệnh này lại bùng phát trở lại một lần. 

Cái chết đen là gì? - 1

Cái chết đen cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người ở châu Âu thời trung cổ. Hình ảnh minh họa này được vẽ từ thời đó thể hiện sự hoành hành của dịch bệnh, trích từ cuốn “Biên niên sử Nuremberg” được xuất bản năm 1493 do Hartmann Schedel viết và Michael Wolgemut vẽ minh họa.

Theo nhà sử học Benedictow, tên gọi “cái chết đen” thật ra là một cách hiểu chưa chính xác, có lẽ do người ta dịch nhầm cụm từ tiếng La-tinh “atra mors” vì nó vừa có nghĩa là “đen” vừa có nghĩa là “khủng khiếp”, chứ không hề có mối tương quan nào giữa tên gọi “cái chết đen” với các triệu chứng của căn bệnh.

Cái chết đen bắt đầu từ khi nào?

Cái chết đen càn quét khắp vùng Trung Đông và châu Âu trong thời gian 1346-1353 nhưng có thể nó đã bắt đầu từ nhiều thập kỉ trước ở Cao nguyên Thanh Tạng của Trung Á.

Thời kì đại dịch này quay trở lại từ thế kỷ XIV đến XVIII được gọi là Đại dịch dịch hạch lần thứ hai, còn Đại dịch lần thứ nhất đã xảy ra từ thế kỷ VI đến VIII và Đại dịch lần thứ ba xảy ra từ năm 1860 đến 1960. 

Trong cuốn sách viết về lịch sử của Cái chết đen, nhà sử học Benedictow viết rằng Cái chết đen là đợt sóng tai họa đầu tiên của Đại dịch dịch hạch lần thứ hai. Một vài đợt bùng phát sau đó cũng trong thời kỳ đại dịch lần thứ hai này và mỗi lần tái phát như vậy nó lại cướp đi 10-20% dân số châu Âu. 

Cái chết đen đã ảnh hưởng ra sao đến châu Âu? 

Ngày nay chúng ta có thể thấy vô cùng ngạc nhiên là người dân thời trung cổ và thời cận hiện đại có thể sống cùng và vượt qua đại dịch này. Các bác sĩ và các nhà khoa học đã nỗ lực làm việc để hiểu được và điều trị căn bệnh này tốt hơn, đặc biệt là để ngăn chặn nó quay trở lại hoặc lây lan ra cộng đồng.

Nhiều phát kiến về thuốc chữa bệnh đã ra đời để chống lại căn bệnh, như là các tiến bộ trong giải phẫu, những khám phá về vòng tuần hoàn của máu và các cách đánh giá sức khỏe mới. Người ta vẫn chưa biết vì sao Đại dịch lần thứ hai lại chấm dứt ở Tây Âu, trong khi nó vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội ở Nga và Đế chế Ottoman đến tận thế kỉ XIX.

Cái chết đen là gì? - 2

Các bác sĩ thời Đại dịch được vẽ đang đeo khẩu trang hình mỏ chim. Tuy nhiên, trang phục này không phổ biến mấy mà chỉ được sử dụng nhiều vào thời kì sau ở thế kỉ XVII.

Cái chết đen chấm dứt khi nào? 

Đại dịch xảy ra ở Luân Đôn vào năm 1665 là đợt bùng phát lớn cuối cùng ở nước Anh. Sau đó Tây Ban Nha và Đức là hai nước thoát khỏi đại dịch đầu tiên vào đầu thế kỉ XVIII. Đại dịch ở Mác-xây, Pháp, trong hai năm 1720 – 1720 được coi là đợt bùng phát cuối cùng ở Tây Âu.

Một số nhà sử học cho rằng sức khỏe cộng đồng đã được nâng cao và người dân có khả năng chống chọi khiến dịch bệnh phải lùi bước, đặc biệt là nhờ việc áp dụng các quy định nghiêm ngặt và rất hiệu quả về vệ sinh. Một số khác cho rằng bệnh dịch lui là do có sự tiến hóa của con người, các loài gặm nhấm (là vật lây truyền mầm bệnh) hoặc sự tiến hóa của chính vi khuẩn gây bệnh, nhưng không lí lẽ nào có vẻ phù hợp để giải thích được những phát hiện mới đây về di truyền học bệnh dịch.

Điều chắc chắn là trong 4 thế kỷ từ khi Cái chết đen bắt đầu đến khi nó kết thúc ở châu Âu thì các bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ để giải thích, kìm hãm và chữa trị cho căn bệnh khủng khiếp này. 

Phạm Hường 

Theo Live Science