Cách mạng, Napoleon và bây giờ là lửa cháy: Nhà thờ Đức Bà – biểu tượng của Paris đã trải qua những gì?

(Dân trí) - Ngày 15/4/2019 vừa qua, Nhà thờ Đức Bà ở Paris bị cháy, một vụ cháy kinh hoàng đã nhanh chóng làm sập một phần mái của nhà thờ.

Cách mạng, Napoleon và bây giờ là lửa cháy: Nhà thờ Đức Bà – biểu tượng của Paris đã trải qua những gì? - 1
Tháp chuông Nhà thờ Đức Bà đổ sập trong vụ cháy ở Paris hôm 15/4/2019 (nguồn: Geoffroy Van Der Hasselt/AFP)

Theo đài BBC, nguyên nhân của vụ cháy chưa được xác định, nhưng khả năng là có liên quan đến việc tu sửa đang tiến hành tại đây. Người ta cũng chưa tính được hai ngọn tháp đôi của nhà thờ sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào, nhưng thiệt hại là vô cùng lớn, trong đó phải kể đến những tấm kính màu nổi tiếng đã bị vỡ.

Ông Venkatesh Kodur – Giáo sư công trình dân dụng và môi trường của Trường đại học bang Michigan, Mỹ, cho biết nhiệt độ tại nơi xảy cháy có thể lên đến 930 – 1.037 độ C trong khi các tấm kính bị nung chảy ở nhiệt độ 650 độ C.

Lịch sử nhiều trắc trở

Đây không phải lần đầu tiên Nhà thờ Đức Bà rơi vào hoàn cảnh khốc liệt.

Nhà thờ là một công trình xây dựng phi thường được khởi công vào năm 1163 và hoàn thiện năm 1345. Nhà thờ Đức Bà nằm bên bờ sông Xen, nơi trước đó đã từng là nhà thờ thánh Saint-Etienne tồn tại suốt 400 năm. Khi ông Maurice de Sully được bầu làm Giám mục Paris vào năm 1160, ông đã đề xuất phá bỏ nhà thờ Saint-Etienne và xây mới một nhà thờ để tôn vinh Đức Mẹ Đồng Trinh Mary. Đây là một công trình khổng lồ, cần đến công tác quy hoạch đô thị của toàn bộ khu vực lân cận.

Không một công trình xây dựng nào tồn tại suốt 856 năm nào mà lại không có lúc bị can thiệp. Vào thế kỷ XVII, dưới triều vua Louis XIV, nhà thờ đã phải chịu nhiều thay đổi lớn. Những cửa sổ kính màu được thay bằng kính trơn, một chiếc cột ở lối cửa chính bị phá bỏ để mở rộng lối cho các loại xe có thể ra vào.

Cuộc Cách mạng Pháp còn gây ra nhiều thiệt hại hơn cho nhà thờ. Trong thời gian Cách mạng diễn ra, 28 bức tượng các vị vua đặt trong nhà thờ đã bị những người chống phá chế độ quân chủ phá bỏ. Những người này còn phá nhiều bức tượng quý khác, chỉ trừ bức tượng Đức Mẹ Mary, họ phá cả phần mái vòm nguyên bản của nhà thờ vốn được xây dựng từ thế kỷ XIII. Những người theo phe Cách mạng đã đặt lại tên nhà thờ là Đền thờ Nữ thần Lý lẽ, rồi sau đó biến nơi này thành một kho chứa rượu vang.

Cách mạng, Napoleon và bây giờ là lửa cháy: Nhà thờ Đức Bà – biểu tượng của Paris đã trải qua những gì? - 2

Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng với những tấm cửa sổ tranh kính màu (nguồn: Gurgen Bakhshetyan/Shutterstock)

Sau cách mạng, Giáo ước 1801 (một thỏa thuận giữa giáo hoàng và chính phủ) được ký kết để trả lại Nhà thờ Đức Bà cho Nhà thờ Công giáo. Napoleon Bonarparte, khi đó là tướng và sau này trở thành vua Pháp, đã chọn nhà thờ đổ nát này là nơi làm lễ đăng quang vào năm 1804. Những người hầu cận của ông đã trang trí những kiến trúc gô tích của Nhà thờ Đức Bà bằng những tấm thảm khiến cho nhà thờ trông như một ngôi đền Hy Lạp. Từ đó trở đi, công trình này được sử dụng cho những dịp lễ của hoàng gia, nhưng các cách sắp xếp, sử dụng nhà thờ vẫn rất lộn xộn cho đến tận thời kì Trào lưu Lãng mạn và những năm 1800. Tiểu thuyết nổi tiếng của Victor Hugo “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” được xuất bản năm 1831 đã khơi dậy sự quan tâm đối với công trình đổ nát giữa lòng Paris.

Với sự ủng hộ của chính quyền thành phố cũng như toàn thể dân chúng, năm 1843 kiến trúc sư Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc đã đưa ra dự án cải tạo qui mô lớn để cứu cho công trình nhà thờ sắp đến lúc bị hủy hoại hoàn toàn. Dự án được thực hiện trong 20 năm và đã mang lại cho nhà thờ Đức Bà diện mạo ngày nay như chúng ta nhìn thấy trước khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng hôm 15/4. Phần mái vòm cũ đã được thay thế, những máng nước với những hình trạm trổ đặc trưng gô tích được đưa vào thêm cùng với những bức tranh tường được vẽ mới. Theo website chính thức của nhà thờ, trong cuộc trùng tu này, gác đàn được xây lại, phòng để đồ thờ được xây thêm và cũng là nơi các tu sĩ làm các công tác chuẩn bị cho các buổi tế lễ.

Hư hỏng trong thời hiện đại

Trong 150 năm sau đó, nhà thờ đã qua nhiều lần sửa chữa, trong đó có lần phục hồi lại các tấm kính màu ở gian giữa của giáo đường, lần vệ sinh kéo dài cả chục năm để làm sạch mặt ngoài phía Tây. Trong những năm gần đây, công trình kiến trúc này lại trở lại vẻ cổ kính. Năm ngoái, Quỹ Những người bạn của Nhà thờ Đức Bà Paris đã tổ chức một chiến dịch quyên góp quy mô lớn ở Mỹ để có kinh phí sửa chữa nhà thờ. Theo đài CBS, qua nhiều năm bị ô nhiễm khói bụi và chịu tác động của thời tiết, mặt ngoài của nhà thờ đã bị nứt vỡ nhiều. Chính phủ Pháp đã cam kết chi 50 triệu đô-la Mỹ để trùng tu nhà thờ, nhưng Tổng giáo phận Paris ước tính toàn bộ chi phí phải lên tới 185 triệu đô-la.

Theo Giáo sư Kodur, khả năng là các bức tường trát vữa của nhà thờ vẫn còn nguyên mặc dù chúng có thể bị nứt và yếu hơn do bị nung trong lửa rồi bị phun nước ngay để dập cháy. Tuy nhiên, phần mái vòm bằng gỗ và các đồ trang trí bên trong đã bị thiêu rụi thì thực sự là một mất mát lớn.

Theo giới chức Pháp, công việc sửa chữa đang tiến hành tại nhà thờ có thể là nguyên nhân bùng phát ngọn lửa. Một số đồ vật quý hiếm của nhà thờ đã được đem đi cất giữ cẩn thận để phục vụ cho công việc sửa chữa đó. Rất may là hôm 11/4/2019, hơn một chục bức tượng đã được cẩu qua phần mái của nhà thờ để gửi đến miền nam nước Pháp, chỉ 4 ngày trước khi xảy ra vụ cháy.

Phạm Hường (Theo Live Science)