Bức ảnh đánh bắt cá cơm ở Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế

Minh Khôi

(Dân trí) - Kỹ sư người Việt với bức ảnh chụp hai chiếc thuyền đánh cá ở vùng biển Hòn Yến, tỉnh Phú Yên đã giành được giải thưởng danh giá của Tổ chức Bảo tồn Biển "Save Our Seas".

Bức ảnh đánh bắt cá cơm ở Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế - 1

Tác phẩm "Mùa đánh bắt cá cơm" của Nguyễn Ngọc Thiện đoạt giải nhất hạng mục Bảo tồn biển tại Underwater Photographer of the Year 2022 (Ảnh: CNN).

Cuộc thi nhiếp ảnh dưới biển "Underwater Photographer of the Year 2022" (UPY 2022) do Tổ chức Bảo tồn Biển "Save Our Seas" vừa công bố những tác phẩm đoạt giải. Đây là cuộc thi danh giá, khi đã nhận được trên 4.200 tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chuyên và bán chuyên đến từ 71 quốc gia, vùng lãnh thổ dự thi ở các hạng mục khác nhau.

Đáng chú ý, hạng mục "Bảo tồn biển" của cuộc thi năm nay được trao cho một tác phẩm duy nhất và được chụp tại Việt Nam, do nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện, 34 tuổi thực hiện.

Bức ảnh được chụp từ trên cao, ghi lại cảnh hai chiếc thuyền với lưới đang giăng rộng để đánh bắt cá cơm ở vùng biển Hòn Yến, tỉnh Phú Yên. Thông qua bức ảnh này, anh Thiện gửi lời nhắn nhủ rằng việc đánh bắt quá mức đang là một vấn nạn gây nhức nhối trên toàn cầu.

"Không quan trọng bạn đến từ vùng nào trên thế giới hay bạn nói ngôn ngữ gì. Nhiếp ảnh có thể phơi bày các vấn đề về bảo tồn một cách hấp dẫn và dễ hiểu", anh Thiện chia sẻ sau khi nhận giải thưởng.

Theo Peter Rowlands, đại diện cho Ban giám khảo của giải thưởng, đây là một bức ảnh tuyệt đẹp với màu sắc tương phản của nước, sự đối xứng của những con thuyền cùng hình dạng giống như phôi thai của những tấm lưới.

Rowlands cũng cho rằng bức ảnh giống như "một lời nhắc nhở trực quan, rõ ràng về khả năng tiếp cận và kiểm soát của con người đối với môi trường sống xung quanh và sự tàn phá này đang gây ảnh hưởng đến sự cân bằng tự nhiên".

Còn theo Jade Schultz, đại diện ban tổ chức và nhà tài trợ cho hạng mục "Bảo tồn biển", thì bức ảnh của Nguyễn Ngọc Thiện là "một tác phẩm cực kỳ nổi bật và hấp dẫn."

Bức ảnh đánh bắt cá cơm ở Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế - 2

Số lượng cá cơm bị suy giảm do đánh bắt bừa bãi.

Được biết, cá cơm mặc dù rất nhỏ, nhưng đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn của đại dương nói chung, và của người Việt Nam nói riêng. Loài cá này có tên khoa học là Engraulidae, thuộc họ cá Trổng. Chúng có kích thước nhỏ bé, thường sinh sống trong môi trường nước mặn. Tuy nhiên, cũng có một số loài thích nghi để sống ở môi trường nước ngọt hoặc nước lợ.

Do kích thước nhỏ bé nên chúng thường sống thành từng đàn để trốn tránh kẻ thù. Hiện nay, dòng cá này đã xuất hiện ở tất cả các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, chúng phân bổ nhiều nhất ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và biển Địa Trung Hải. Ở khu vực Châu Á, loại cá này xuất hiện ở nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc…

Ở Việt Nam, từ thuở xa xưa, người dân đã biết tận dụng số lượng đông đúc của loài cá này để giăng lưới đánh bắt, rồi chế biến thành các món ăn, đặc biệt là để làm ra nước mắm. Các món ăn chế biến từ cá cơm nhìn chung đều rất bình dị, dân dã như tên gọi của nó, nhưng vô cùng phong phú. Chúng được coi là nguồn thực phẩm giàu đạm, bổ dưỡng và lành tính.

Dẫu vậy trong những năm gần đây, do tình trạng khai thác cá cơm bừa bãi diễn ra hàng năm tại Việt Nam, hiện nay số lượng cá cơm đã bị suy giảm đi khá đáng kể.