Bộ trưởng Bộ Khoa học nói gì về giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu?

(Dân trí) - Ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh “bất ngờ” nhận được câu hỏi đầu tiên của đại biểu Quốc hội để được tham gia trả lời chất vấn. Theo đó, đại biểu yêu cầu Bộ KH&CN cho biết về những giải pháp, chương trình hành động cụ thể của Bộ KH&CN để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.


Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Cuối phiên chất vấn buổi sáng 31/10, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nêu vấn đề: Từ hôm qua đến nay rất nhiều Bộ trưởng đã phát biểu, có Bộ trưởng Bộ KH&CN chưa được phát biểu nên tôi xin tặng Bộ trưởng KHCN một câu hỏi.

Thời gian qua, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực ngày càng nặng nề đối với nước ta, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long từ việc xâm nhập mặn, chìm sâu về lãnh thổ ở Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp... hay là khô hạn, thiếu nước, sa mạc hóa ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Trái với tốc độ ảnh hưởng tàn phá của biến đổi khí hậu, phản ứng của chúng ta còn khá chậm chạp, đặc biệt là các giải pháp hành động ở lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những giải pháp, chương trình hành động cụ thể nào để ứng phó với các mối đe dọa nêu trên.

Bộ Khoa học nhận thức được trách nhiệm của mình

Liên quan đến câu hỏi này, trong phần trả lời chất vấn buổi chiều 31/10, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ: Bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có thể nói sự chuyển dịch chính sách khoa học công nghệ gần đây chúng tôi đang rất nỗ lực và quyết liệt để làm sao thực sự đúng nghĩa là phục vụ kinh tế xã hội được. Phục vụ như thế nào thì xin để các đồng chí bộ trưởng trưởng ngành, các đồng chí bí thư và chủ tịch các địa phương đánh giá về khoa học. Nhưng chúng tôi cũng thấy vui là có những kết quả bước đầu.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

Ngược lại, có lẽ chúng tôi cũng không buồn vì chưa được đề cập vì trong nhận thức trách nhiệm với những vấn đề của đại biểu và cử tri đặt ra, thực sự chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của chúng tôi, ví dụ đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Y tế về tiềm năng cũng như khả năng để thúc đẩy phát triển công nghiệp dược.

Đằng sau đấy chúng tôi lập tức thấy trách nhiệm của mình là nội địa thì năng lực công nghệ đến đâu, những nhóm nào mạnh có thể vào cuộc được để thúc đẩy chỗ nào, những khu vực nào thì lập tức chúng ta phải đặt vấn đề nhanh chóng tạo hành lang và chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Tương tự như vậy, an toàn thực phẩm chúng tôi cũng phải làm sao mà không chỉ thẩm định và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn mà cùng với Bộ Y tế để nhận dạng sớm những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết, đặc biệt chúng tôi cũng đang thúc đẩy một hoạt động là tăng cường tính quốc gia của hoạt động mã số, mã vạch. Việc này sẽ phục vụ cho truy xuất nguồn gốc của các loại thực phẩm và phục vụ cho quá trình này.

Giải quyết biến đổi khí hậu: Vấn đề thực sự liên ngành lớn, đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm

Quay lại với câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ: Đây là một câu hỏi chắc là cả hệ thống chính trị quan tâm. Song nó là một vấn đề rất rộng và rất sâu nên xin báo cáo hết sức tóm tắt”.

Đề cập đến 3 lĩnh vực là biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường, người đứng đầu Bộ KH&CN cho hay: Về nhận dạng, đây thực sự là những lĩnh vực công ích, chủ trương của Đảng, Nhà nước hết sức rõ ràng, nhất quán thời gian gần đây. Chúng tôi muốn nói về vấn đề công ích, trong giai đoạn vừa rồi, tái cấu trúc các chương trình để phục vụ cho kinh tế mạnh nhất. Chúng tôi thấy, nếu đi cùng Bộ trưởng Xuân Cường (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp), chuỗi giá trị cá tra, phụ phẩm ra sao, chúng tôi đã hỗ trợ Tập đoàn Sao Mai thì rõ kết quả ngay. Nhưng đối với những vấn đề xã hội, chúng ta thấy trách nhiệm đầu tiên của Nhà nước rất rõ đối với cử tri và nhân dân.

Hai là đối với lĩnh vực này, các kết quả giải quyết lâu dài. Đây là một lĩnh vực giải pháp công trình hay phi công trình đều đòi hỏi sự liên ngành rất cao và liên ngành đó chắc chắn đối với khoa học còn rõ ràng hơn. Tôi nói một dự báo cả từ thuật toán, xác suất và tất cả những hoạt động khác. Với tính cách như thế, chúng tôi tập trung hết sức nhất quán, không chỉ xoay sang kinh tế mà tập trung cho các chương trình về phòng, chống thiên tai, dự báo biến đổi khí hậu và tăng cường trọng điểm chương trình biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chủ trì và chúng tôi quản lý nhà nước. Bước đầu có thể nói có những kết quả dù là khiêm tốn nhưng trên toàn thể đồng bằng sông Cửu Long các nhà khoa học đã đóng góp cho kịch bản và nâng cao độ tin cậy của biến đổi khí hậu và nước. Đánh giá được thực trạng, xu thế, biến động và cơ chế, nguyên nhân xói lở và bồi đắp.

Giải pháp chung cũng như công nghệ về mặt nguyên tắc để bảo vệ bờ biển. Mô hình thử nghiệm để chống xói lở cho một số tỉnh và một số đồng bằng. Các giống lúa và giống vật nuôi để thích ứng. Mô hình canh tác và nhiều hoạt động khác, kể cả những bản đồ Atlat biến đổi khí hậu để thực hiện.

“Có thể nói kết quả chúng ta giải quyết những vấn đề trước mắt đạt được nhưng khi đặt vấn đề với toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, trên tinh thần Nghị quyết 120, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì vấn đề này chắc chắn phải đặt ra đó là huy động quốc tế. Cũng suốt hai năm vừa rồi, chúng tôi nỗ lực cùng các chuyên gia quốc tế và những là quốc gia hàng đầu của G7 khảo sát thực địa, v.v... Cho đến nay báo cáo với Quốc hội và cử tri, chúng ta cũng phấn khởi cơ bản những thông số và kỹ thuật, có nghĩa bài toán đặt ra để nhìn một cách tổng thể nhất các bạn đã cùng với chúng ta và đây là cơ hội để kéo theo hàng chục viện nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu quốc gia hàng đầu để giải quyết vấn đề này.

Tương tự như vậy, đối với Ninh Thuận, về khô hạn, Thủ tướng có chỉ đạo theo tinh thần Quyết định 264 và có ba dự án giao cho ba ngành là tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ và nông nghiệp. Chúng tôi cũng đã triển khai bước đầu và có những kết quả chuyển giao để Bộ Nông nghiệp đưa vào vùng này.

Về sinh kế cũng có những chỉ dẫn địa lý giản dị như chỉ dẫn địa lý cho thịt cừu của Ninh Thuận năm 2017 cũng đã được triển khai.

“Báo cáo sơ bộ như vậy để thấy đây là một vấn đề thực sự liên ngành lớn, đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm. Ví dụ tích lũy hơn một chục năm vừa rồi, chúng ta có thể tự hào Trung tâm dự báo khí tượng của chúng ta được quốc tế thừa nhận là một mắt xích va trung tâm khu vực, độ tin cậy như vậy đã đáp ứng được phần nào, dù chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta. Tương tự như vậy, các giống chống ngập mặn như ÔM1, ÔM2, 5/000 nước mặn bây giờ đã phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long và phục vụ cho xuất khẩu”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Nguyễn Hùng