Bí ẩn cá mập có “giác quan thứ sáu” sống gần núi lửa dưới đại dương
(Dân trí) - Một nghiên cứu do kỹ sư hải dương Brennan Phillips dẫn đầu đã có một phát hiện bất ngờ trong chuyến thám hiểm đến một ngọn núi lửa ngầm đang hoạt động có tên Kavachi, nằm ở phía nam quần đảo Solomon.
Tiến sĩ Michael Heithaus, một nhà sinh thái học biển tham gia nghiên cứu về sức hút của cá mập đối với núi lửa, giải thích rằng những loài động vật săn mồi này có thể sống sót trong một miệng núi lửa đang hoạt động, cách bề mặt Kavachi chỉ khoảng 18 mét nhờ các thụ quan điện cực có độ nhạy cao hay còn được biết đến với cái tên “giác Ampullae của Lorenzini” nằm ở phần đầu của cá. Hình dạng cấu tạo của nó là những ống bên trong chứa đầy chất dịch, một đầu phình to và một đầu thông với bên ngoài.
Các nhà nghiên cứu lập luận rằng chính "giác quan thứ sáu" bí ẩn này có thể giúp cá mập phát hiện những thay đổi trong từ trường của hành tinh nên có thể bơi đi trước bất kỳ vụ phun trào nào sắp xảy ra.
Nó cũng chứng tỏ cá mập có khả năng thích nghi đặc biệt như thế nào. Môi trường khắc nghiệt là thứ chúng có thể xử lý rõ ràng dù là núi lửa hay sống sót dưới nước hàng nghìn mét.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, có vẻ như những con cá mập sống trong khu vực núi lửa đã quen đối phó với các vụ phun trào của núi lửa. Bạn sẽ nghĩ nó nguy hiểm nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cá mập có thể phát hiện các cơn bão và lốc xoáy đang đến gần, vì vậy chúng có thể phát hiện ra điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra và di chuyển nhanh chóng ra ngoài.
Mối liên hệ giữa cá mập và núi lửa đã rõ ràng. Tuy nhiên, Heithaus vẫn không thể khẳng định chắc chắn lý do tại sao cá mập lại bị thu hút bởi một địa điểm gần như sôi sùng sục như vậy.
Cá mập san hô và cá mập đầu búa lần đầu tiên được phát hiện tại núi lửa Kavachi vào năm 2015, trong một chuyến thám hiểm của nhóm do tiến sĩ Brennan Phillips dẫn đầu. Các nhà nghiên cứu không mong đợi nhìn thấy bất cứ điều gì ngoài một số sinh vật biển nhỏ, vì vậy việc họ phát hiện ra cá mập bơi ở khu vực miệng núi lửa thực sự là một cú sốc.