Bên dưới "giếng địa ngục" bí ẩn ở Yemen có gì?
(Dân trí) - Hố sụt chưa rõ nguồn gốc ở Yemen được mệnh danh là "giếng địa ngục" đã bị con người chinh phục.
Nguồn gốc của "giếng địa ngục"
Nằm tại sa mạc, cách thủ đô Sanaa của Yemen 1.300 km, hố sụt có tên gọi "giếng Barhout", hay "giếng địa ngục" đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và những người ưa khám phá trong một thời gian dài.
Theo các tài liệu, miệng hố rộng 30m, sâu chừng 100 đến 250m. Truyền thuyết địa phương nói rằng giếng được tạo ra như một nhà tù dành cho ma quỷ.
Điều này càng trở nên có cơ sở, khi người ta luôn thấy mùi hôi thối bốc ra từ miệng hố, bất kể ngày hay đêm.
Những người dân địa phương mê tín hơn, thậm chí không chỉ tránh đến gần nó, mà còn tránh nói về nó, vì sợ gặp điều không may mắn.
Các quan chức Yemen thì nói rằng họ không hề biết thứ gì nằm dưới miệng hố. Họ ước tính hố đã tồn tại hàng triệu năm, và cho biết chưa từng có ai xuống được đến đáy.
Bên cạnh đó, tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự hình thành của "giếng địa ngục".
Bí ẩn được khám phá
Mới đây, một nhóm thám hiểm hang động tới từ Oman gồm các chuyên gia và nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên vén màn bí ẩn của "giếng địa ngục" Barhout.
Kết quả không nằm ngoài dự đoán, khi các nhà thám hiểm không tìm thấy bất kỳ thần thánh hay cửa vào địa ngục nào dưới đáy hố.
Tuy nhiên, họ đã tìm thấy thác nước, măng đá và ngọc trai trong hang động. Ngoài ra, còn có rắn, ếch, bọ cánh cứng và một số xác động vật chết bị rơi xuống từ miệng hố.
Đây có lẽ là sự giải thích cho mùi hôi thối mà người ta ngửi thấy khi đứng bên trên mặt đất, chứ hoàn toàn không phải do quỷ dữ như một số người bản địa đồn thổi.
"Niềm đam mê đã thúc đẩy chúng tôi làm điều này", Mohammed al-Kindi, giáo sư địa chất tại Đại học Công nghệ Oman, thành viên của nhóm thám hiểm cho biết. "Chúng tôi linh cảm rằng đây là thứ sẽ tiết lộ một kỳ quan mới và một phần của lịch sử Yemen".
Theo tờ Muscat Daily, khi nhóm nghiên cứu đặt chân xuống đáy hố, họ chạm phải một tầng địa chất khá lởm chởm, được bao phủ bởi măng đá. Một số trong số đó cao tới 9m.
Một phần đáy của hang cũng được bao phủ bởi ngọc trai hang động, gọi là "Speleothem". Được biết, sự hình thành địa chất này là do các mỏ khoáng chất tích tụ theo thời gian trong các hang động tự nhiên. Chúng hình thành phổ biến nhất trong các hang đá vôi do phản ứng hòa tan cacbonat.
Bên trong hố sụt, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy nước xuất hiện từ một số lỗ trên vách hang ở độ sâu khoảng 65m dưới bề mặt, tạo thành những thác nước nhỏ.
Leslie Melim, nhà địa chất học tại Đại học Western Illinois cho rằng chính lượng nước này đã góp phần hình thành thạch nhũ, măng đá và ngọc trai trong hang động.
Tại đây, nhóm thám hiểm đã lấy các mẫu nghiên cứu để từ đó tìm ra sự hình thành của hố sụt, sẽ được công bố trong ít tuần tới.
Giả thuyết trước đó cho rằng hố sâu có thể do một ụ đất đóng băng bị sụt xuống bên dưới, có tên khoa học là "pingo" hay hiện tượng hố sụt do sự xói mòn của đá vôi.
Trong khi các nhà nghiên cứu khác tin rằng giếng khổng lồ có thể là một siêu núi lửa đã tạm tắt sẽ phun trào vào một thời điểm nào đó.