Bay vào vũ trụ làm thay đổi cấu trúc não bộ

(Dân trí) - Nghiên cứu mới do một nhóm nghiên cứu từ Đại học Antwerp dẫn đầu đã quan sát bộ não của các phi hành gia trước và sau nhiệm vụ bay vào không gian trong vòng sáu tháng và báo cáo rằng cấu trúc trong não của họ đã thay đổi.

Một số thay đổi này vẫn đáng chú ý kể cả sau khi họ quay trở lại Trái Đất được bảy tháng.
Một số thay đổi này vẫn đáng chú ý kể cả sau khi họ quay trở lại Trái Đất được bảy tháng.

Nhóm nghiên cứu quốc tế đã chụp MRI của 10 phi hành gia nam trước khi họ bay vào không gian, tiếp theo lần quét thứ hai là sau khi họ trở về Trái Đất được một vài tuần. Bảy người trong số đó được tiến hành lần quét thứ ba sau vài tháng.

Theo báo cáo trong Tạp chí Y học New England, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự giảm khối lượng chất xám trong não, với các hiệu ứng đặc biệt trong vỏ não, có liên quan đến việc đưa ra quyết định và vỏ não thời gian đóng vai trò xử lý đầu vào cảm giác và hình thành bộ nhớ.

Sự giảm sút cũng được nhận thấy trong chất trắng của não. Chất này kết nối các khu vực khác nhau của chất xám với nhau. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những thay đổi trong sự phân phối dịch não tủy, loại dịch giúp loại bỏ chất thải và bảo vệ não. Không có lực hấp dẫn, nhiều dịch tủy não di chuyển đến não và dừng lại luôn ở đó.

Tác giả chính, Tiến sĩ Angelique Van Ombergen cho biết trong một bài phát biểu: “Thay đổi xảy ra trong chất xám, chất trắng và dịch não tủy. Và một số thay đổi đó vẫn còn có thể kéo dài đến cả bảy tháng sau khi nhiệm vụ của phi hành gia kết thúc.”

Nghiên cứu này tập trung vào những thay đổi cấu trúc của bộ não nhưng không phải là để tìm ra những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến chức năng của não như thế nào. Tuy nhiên, họ đang có kế hoạch điều tra chi tiết hơn và quan tâm đến việc phải mất bao lâu để bộ não trở lại bình thường.

Tiến sĩ Van Ombergen nói với IFLScience: “Đây chắc chắn là điều mà chúng tôi muốn xem xét. Ngoài ra, các nghiên cứu trong tương lai rộng hơn để phát hiện đầy đủ các hậu quả lâm sàng tiềm tàng cho các phi hành gia cũng là cần thiết. Kết hợp quét não với các xét nghiệm lâm sàng hoặc dữ liệu hành vi là cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu đầy đủ những gì đang diễn ra.”

Câu hỏi thật khó giải đáp là nếu hậu quả là vĩnh viễn, thì liệu chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng này trong tương lai không? Nếu chúng ta đang muốn bay vào không gian để khám phá sao Hỏa và các hành tinh xa hơn nữa, chúng ta cần tính đến điều này.

“Một biện pháp đối phó có thể hữu ích là tạo ra trọng lực nhân tạo. Điều này có thể khắc phục yếu tố nguy cơ tiềm ẩn cho những thay đổi về não mà chúng ta thấy.”

“Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn vào thực tế rằng liệu có thể tạo ra được trọng lực nhân tạo (ví dụ bằng cách sử dụng một tàu vũ trụ quay) hay không? Vì mặt công nghệ của chúng ta còn hạn chế và chi phí phát triển của tàu không gian như vậy sẽ cao lên rất nhiều”.

Hoàng Hằng (Theo IFLScience)